Ngày 14/11, bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần hết sức thận trọng khi áp dụng hình thức “tù tại gia”.
[Nga áp dụng luật mới: Quản thúc và tù tại gia]
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, “tù tại gia” là một đề xuất cũng đáng chú ý bởi đặt trong hoàn cảnh như hiện nay các nhà giam của chúng ta luôn trong tình trạng quá tải. Hình thức này cũng phù hợp với Hiến pháp 2013 đó là đề cao quyền con người để việc cải tạo giúp phạm nhân thực sự nhìn được lỗi lầm của mình, sau đó tái hòa nhập cộng đồng.
“Theo đà phát triển của xã hội, theo quyền con người và tiệm cận với xu hướng phát triển của thế giới thì đây là một đề xuất rất đáng chú ý, cũng có thể khả thi,” đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng để áp dụng được đề xuất này cần có lộ trình và cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, đặc biệt cần tham khảo tại một số quốc gia đã triển khai.
“Chúng ta cần xem xét về tỷ lệ dành cho đối tượng này như thế nào bởi nếu không sẽ tạo kẽ hở cho những người phạm tội thoát án tù đồng thời dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực,” đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.
Địa biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng bày tỏ băn khoăn về việc "tù tại gia" có nhiều điểm tương tự với án treo, vậy thì làm cách nào để không có nhầm lẫn giữa. Ở một số nước, tù nhân không ở trong trại giam sẽ được gắn con chip hoặc các phương tiện theo dõi, không được đi ra khỏi phạm vi cho phép.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Cà Mau cũng cho rằng "tù tại gia" là vấn đề không mới trên thế giới và đã được áp dụng một số nước. Tuy nhiên, các nước áp dụng hình thức trên có nền tảng đầy đủ như tâm lý xã hội, quan niệm và chuẩn mực đạo đức, quan hệ cá nhân… của các nước này khác.
Đặt vấn đề về những tác động về mặt đạo đức, tâm lý xã hội, như đặt trong mối quan hệ thành viên với người phạm tội trong gia đình, đại biểu Lê Thanh Vân dẫn chứng: “Chẳng hạn, người cha là phạm nhân bị giam trong lồng sắt, có ảnh hưởng gì tới các con đang đến tuổi hình thành nhân cách? Ngược lại, tình cảm người cha, người mẹ hàng ngày nhìn con cái giam cầm trong chính không gian gia đình nhà mình như thế nào?”
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, từ lâu không gian gia đình là nơi tác động đến các hành vi đạo đức, nhân cách con người. Nên khi trở về nhà ai cũng thấy ấm áp, hạnh phúc. Nhưng nếu áp dụng, khi ta trở về nhà lại có một không gian giam cầm riêng đặt trong không gian đấy thì xem nó tác động đến tâm lý, đạo đức, giáo dục của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là con trẻ không?
Trước đó, khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) trong chiều qua, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hình thức "tù tại gia" để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh tuỳ loại đối tượng mà áp dụng hình phạt “tù tại gia”, hình thức này chỉ nên áp dụng với những tội phạm không nghiêm trọng, như tội như cố ý gây thương tích hoặc vi phạm trong đối xử với bố mẹ, anh em... Còn với những tội nghiêm trọng về ma tuý, tham nhũng, giết người, tội phạm an ninh quốc gia thì phải đưa vào tù tập trung, cách ly khỏi xã hội.
Theo ông Hồ Đức Phớc, "tù tại gia" không chỉ giúp giảm áp lực cho các nhà tù, giảm ngân sách quốc gia chi cho các tù nhân, mà còn có tác dụng về giáo dục, khiến người vi phạm phải xấu hổ với cộng đồng, làng xóm và gia đình.
Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm cho biết Bộ Công an sẽ tiếp nhận đề xuất của đại biểu Quốc hội về hình thức "tù tại gia" để nghiên cứu./.