Đề xuất thanh tra các dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị liên quan thực hiện các yêu cầu cụ thể và các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để xử lý các vướng
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương vừa ban hành Quy chế quy định về trách nhiệm, quyền hạn; phương thức làm việc của Ban Chỉ đạo này.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị liên quan thực hiện các yêu cầu cụ thể và các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để xử lý các vướng mắc, khó khăn; đánh giá năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, cũng như tình hình nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm có liên quan đến từng dự án.

Từ đó, đề xuất những giải pháp cụ thể cho từng dự án, nghiên cứu vận dụng các quy định linh hoạt trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia để bảo vệ tốt nhất thị trường trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế; rà soát và đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, kiểm soát chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm; đàm phán với các đối tác về phương án hợp tác đầu tư và chuyển nhượng dự án.

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty đánh giá kỹ hơn, rõ hơn toàn bộ dự án, từ chủ trương đến việc thực hiện đầu tư, vận hành dự án, đặc biệt là xem xét tính đồng bộ của công nghệ, thiết bị sử dụng, đội ngũ cán bộ quản lý dự án, chất lượng nhà thầu; có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các dự án nhà thầu chậm tiến độ, không đúng cam kết.

Kiểm tra lại sự phù hợp trong việc tăng vốn đầu tư của từng công đoạn từng dự án, xác định rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục và đề xuất xử lý các vi phạm.

Ban Chỉ đạo đề xuất Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ thực trạng hoạt động, thực trạng tài chính của các doanh nghiệp, dự án làm căn cứ xây dựng các phương án tái cơ cấu, xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp và làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Quy chế cũng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của: Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Trưởng ban Chỉ đạo thường trực - Bộ trưởng Bộ Công Thương; Phó Trưởng ban Chỉ đạo - Bộ trưởng Bộ Tài chính; các ủy viên và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể thảo luận, Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban (khi được Trưởng ban ủy quyền) kết luận và chỉ đạo thực hiện.

Ban Chỉ đạo hoạt động thông qua họp định kỳ 3 tháng một lần hoặc đột xuất theo quyết định của Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban (khi được Trưởng ban ủy quyền)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục