Đề xuất tăng thuế VAT: Có đủ bù đắp nếu người dân thắt lưng buộc bụng?

Nếu so với các nước trong khu vực, chỉ có Philippines là có mức thuế giá trị gia tăng cao hơn Việt Nam, còn lại Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan đều có mức thuế thấp hơn.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam lên tiếng về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng.

Mức thuế giá trị gia tăng của Việt Nam nếu so với nhiều nước trong khu vực là không hề thấp. Lý do cơ cấu lại nguồn thu được Bộ Tài chính đưa ra không phải là không có lý, thế nhưng, các chuyên gia băn khoăn, nguồn thu có thể tăng lên nhưng nếu chi ngân sách không hiệu quả, liệu việc điều chỉnh thuế có hiệu quả?

[Bộ Tài chính nói gì về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng lên 12%]

Mức thuế ở Việt Nam cao hay thấp?

Trong đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng mới đây của Bộ Tài chính, cơ quan này dẫn thống kê của Ngân hàng Thế giới cho rằng, trong 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước xung quanh như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%.

Lãnh đạo ngành tài chính cũng tính toán mức thuế suất trung bình tại các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tăng từ 19% những năm 2000 lên gần 21,5% năm 2014. Các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng có xu hướng tăng thuế, những năm 2000 là 18% thì nay khoảng hơn 19%.

Đó là sự so sánh với mức thuế thông thường 10% hiện tại của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị công chứng Australia (CMA Australia) tại Việt Nam lại đưa ra những con số gần gũi hơn.

Theo ông, nếu so với những nước EU, OECD thì dĩ nhiên mức thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam là thấp nhưng so với những nước trong khu vực thì hiện chỉ có Philippines là có thuế cao hơn Việt Nam.

Ông thống kê, một loạt những nước và vùng lãnh thổ hiện đều có mức thuế trung bình khoảng 10% hoặc thậm chí dưới 10% như: Indonesia 10%, Malaysia 6%, Myanmar 5%, Singapore 7%, Hàn Quốc 10%, Đài Loan 5%, Thái Lan 7%.

Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín thậm chí còn đưa thêm những con số cụ thể. Theo ông, Trung Quốc có mức thuế giá trị gia tăng khoảng 2%-17%, Indonesia từ 0%-10%, Nhật Bản từ 0% đến 8%, Malaysia từ 0% - 6%, Philippines 0% - 18%, Canada 0% - 15%.

Vấn đề theo ông là mức thuế giá trị gia tăng của các nước trên không cố định. “Với ngành nghề khuyến khích sản xuất kinh doanh, họ đánh thuế ở mức ưu đãi để phát triển. Với ngành nghề không sản xuất, họ đánh thuế ở mức cao,” ông Tín nói.

Trong khi ấy, theo vị chuyên gia này, Việt Nam đang cố định ở mức 10% và 5% và dự kiến tăng lên 12%. Điều này theo ông là chưa hợp lý.

Đề xuất tăng thuế VAT: Có đủ bù đắp nếu người dân thắt lưng buộc bụng? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Cũng chỉ vì thâm hụt ngân sách”

Nhìn lại đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, ông Phan Lê Thành Long thẳng thắn, lý do quan trọng nhất là do ngân sách hiện tại đang thâm hụt nhiều.

“Nói thẳng là từ trước tới nay sử dụng ngân sách chưa hiệu quả,” ông lên tiếng.

[Tăng thuế VAT có nghĩa là “đánh vào túi tiền” của mọi người dân]

Theo tính toán của đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), thuế giá trị gia tăng đóng góp khoảng 25% tổng thu ngân sách trong giai đoạn 2010-2015.

Báo cáo của HSC ước tính, với 2% tăng thêm, thuế giá trị gia tăng sẽ đóng góp thêm khoảng 59.000 tỷ cho thu ngân sách và nâng tỷ trọng trong thu thường xuyên của thuế giá trị gia tăng lên khoảng 33%.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thâm hụt ngân sách không phải bắt nguồn từ việc huy động ngân sách thấp. Thậm chí, theo ông, tỷ lệ huy động ngân sách trong GDP của Việt Nam cao hơn tât cả các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi tỷ lệ này ở các nước chỉ khoảng 16-17% thì Việt Nam lên tới 22-23%.

Măc dù tỷ lệ huy động cao nhưng ông Nghĩa thẳng thắn “chưa bao giờ có ngân sách cân bằng.” Lý do theo ông bắt nguồn từ việc chi tiêu quá lớn, nhất là chi thường xuyên.

Ủng hộ ý kiến này, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín bày tỏ quan điểm, chưa nên tăng thuế mà Việt Nam cần cắt giảm chi thường xuyên và tính toán chi đầu tư làm sao cho hiệu quả.

Theo ông, hiện nền kinh tế đang trên đà hồi phục nên ngoài việc tính đến chuyện tăng thu thì trước hết cơ quan chức năng phải chấn chỉnh lại công tác chi, đặc biệt là chi thường xuyên, làm sao cho hiệu quả.

“Ví dụ, hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân sách đang sa lầy vào các dự án đắp chiếu hay các đại dự án khác cũng đang khiến ngân sách thêm nặng gánh,” vị chuyên gia nói.

Còn với ông Phan Lê Thành Long, ông không phản đối phương án tăng thuế giá trị gia tăng nhưng ông lưu ý: “Tôi đồng ý tăng thuế nhưng phải sử dụng thuế hiệu quả.”

Ông nhấn mạnh, việc tăng thuế có thể giúp tăng thu ngân sách nhưng vấn đề quan trọng là hiệu quả sử dụng ngân sách làm sao để bù đắp cho sự sụt giảm khi người dùng cắt giảm chi tiêu, doanh nghiệp giảm lợi nhuận.

Có cái nhìn thận trọng, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, chủ trương nào đưa ra cũng cần phải bám sát thực tế của cuộc sống, bám sát với doanh nghiệp và cần phải điều tra.

“Nếu chính sách hợp lý thì sức tiêu dùng tăng lên và người dân được hưởng lợi, xã hội cũng sẽ được hưởng lợi nhờ tăng nguồn thu. Ngược lại chính sách không phù hợp thì sản xuất sẽ giảm xuống thì đồng thời nguồn thu chưa chắc tăng lên, thậm chí giảm theo,” ông Việt cảnh báo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục