Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá ở Việt Nam

Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Phong trào không hút thuốc lá ở nơi làm việc được nhiều đơn vị hưởng ứng trong những năm gần đây. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thuế thấp nên giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc loại rẻ nhất so với các nước trên thế giới và khu vực. Trong khi đó, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có thể phòng ngừa trên toàn thế giới.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Một trong những đề xuất đầu tiên của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng có hại cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia... để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng.

Mức thuế thấp trong khu vực

Theo thống kê từ Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), ở Việt Nam, sử dụng thuốc lá nguyên nhân khiến hơn 40.000 người Việt tử vong mỗi năm. Đáng lưu ý khi 21% ca tử vong ở nam giới Việt Nam liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.

Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam năm 2020 của Bộ Y tế cho thấy, có gần 50% nam giới trưởng thành tại Việt Nam hút thuốc. Mặc dù tỷ lệ phụ nữ hút thuốc dưới 2% song phụ nữ và trẻ em đối diện với tình trạng hút thuốc thụ động cao tại gia đình và các địa điểm công cộng, cũng dẫn tới các bệnh tật và tử vong.

[Hút thuốc lá làm giảm khả năng đáp ứng điều trị của y học hiện đại]

Các chuyên gia y tế đã chỉ ra 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi. Đặc biệt, tổn thất kinh tế cho điều trị 5 nhóm bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, mất khả năng lao động và tử vong sớm ở Việt Nam là khoảng 24.000 tỷ đồng, tương đương mất gần 1% GDP.

Trong khi đó, tại Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá đang áp dụng là thuế tỷ lệ ở mức 75% tính trên giá xuất xưởng (giá bán ra của nhà sản xuất hay nhập khẩu). Tỷ lệ này tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38%.

Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo nghiên cứu tổng kết đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN. Cụ thể, mức thuế này chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar và rất thấp so với các nước trong khu vực như Brunei: 81%, Thái Lan: 70%, Singapore: 69%, Malaysia: 57%, Indonesia: 51%, Myanmar: 50% và các nước phát triển Australia: 62%, Đức: 75%, Pháp 80%...

Khi thuế thuốc lá thấp làm giá thuốc lá bán ra rẻ. Theo tính toán của WHO, giá trung bình của một bao thuốc lá hai mươi điếu có xu hướng giảm (12.101 đồng Việt Nam/bao năm 2015 xuống mức 11.848 đồng Việt Nam/bao năm 2020 sau khi đã hiệu chỉnh lạm phát). Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ các nhãn hiệu thuốc lá phổ biến nhất của các nước trong khu vực. (Nguồn: WHO)

Các chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá phân tích thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam quá thấp; mức tăng thuế và giá trong những năm qua chậm hơn mức tăng thu nhập bình quân đầu người và lạm phát, khiến cho thuốc lá ngày càng trở nên rẻ, dễ mua hơn. Do vậy, Việt Nam cần tăng mạnh thuế thuốc lá, chuyển đổi sang hệ thống thuế hỗn hợp để giảm sức mua thuốc lá, giảm sử dụng thuốc lá và giảm gánh nặng kinh tế, sức khỏe do thuốc lá.

Xu hướng áp thuế hỗn hợp (thuế tỷ lệ và thuế tuyệt đối) đối với thuốc lá đang ngày càng được nhiều quốc gia áp dụng. Trong đó, có gắn theo các điều kiện về định kỳ tăng thuế theo hoặc cao hơn tốc độ lạm phát và tăng trưởng để đảm bảo giá thuốc lá tăng cao hơn/bằng với tốc độ gia tăng thu nhập, sức mua của người hút thuốc.

Cần tăng thuế thuốc lá

Theo các phân tích từ Bộ Y tế, trong thời gian qua, mặc dù mặt hàng thuốc lá đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2019, tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao.

Do thu nhập tăng nhanh hơn mức tăng giá thuốc lá (tức là thuốc lá trở nên rẻ đi tương đối so với thu nhập) nên sức mua thuốc lá của người dân đã tăng lên nhiều trong những năm qua. Từ năm 2007 đến 2020, thu nhập danh nghĩa theo đầu người đã tăng gấp 3,7 lần trong khi giá thuốc lá chỉ tăng gấp 1,9 lần. Như vậy, việc sử dụng thuốc lá, cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra.

Ông Patricio V. Marquez - nguyên chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) trong một phân tích của mình đã nhận định rằng tại Việt Nam mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá (khoản thuế theo tỷ lệ phần trăm trên mức giá kê khai), hiện ở mức thấp trong giá bán lẻ. Việc bổ sung thêm một mức thuế tuyệt đối trên phần thuế tính theo tỷ lệ phần trăm là một giải pháp chính sách tốt, bởi việc áp dụng chung một mức thuế tuyệt đối sẽ nâng giá bán của mọi nhãn hàng cùng lúc sẽ giúp tránh tình trạng người hút thuốc chuyển sang sử dụng các nhãn hàng rẻ tiền hơn. Tuy nhiên, biện pháp này đòi hỏi đi kèm với điều khoản điều chỉnh mức thuế cố định hàng năm nhằm theo kịp lạm phát.

Tiến sĩ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Phân tích về vấn đề này, Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát thuốc lá trong những năm gần đây. Tỷ lệ hút thuốc ở cả người trưởng thành và thanh thiếu niên đang giảm dần. Tuy nhiên cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá 32,5% tương đối vào năm 2030 so với tỷ lệ của năm 2015 như đã đề ra trong Chương trình Sức khỏe Việt Nam.

Tiến sỹ Angela Pratt cho rằng một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế. Bởi giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin, đồng nghĩa với việc giá cả không phải là rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá. Do vậy, Việt Nam cần thay đổi điều này và làm cho việc bắt đầu cũng như tiếp tục hút thuốc ở những người trẻ trở nên khó khăn hơn. Tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để đạt được điều này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị tỷ trọng thuế tiêu dùng nên chiếm từ 66 đến 75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá mới thực sự có tác động giảm tiêu dùng.

Theo WHO, biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, WHO ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi (tác động mạnh hơn so với nhóm người trưởng thành). Tăng giá thuốc lá thông qua thuế thuốc lá có thể bảo vệ sức khoẻ trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên khỏi các nguy cơ tử vong, và bệnh tật do sử dụng thuốc lá thông qua thúc đẩy bỏ thuốc, ngăn chặn hút mới và giảm số điếu hút…

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy việc tăng thuế thuốc lá không những đóng góp vào việc giảm các rủi ro sức khỏe gắn với việc sử dụng thuốc lá mà còn giúp tăng thêm nguồn thu để tài trợ cho các chương trình và dự án ưu tiên thông qua ngân sách quốc gia, như việc mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân./.

Quyết định 1092/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/09/2018 phê duyệt Chương trình sức khỏe Việt Nam: đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành xuống 37% vào 2025 và 32,5% vào 2030 và quy định “Nghiên cứu đề xuất mức thuế và thực hiện lộ trình tăng thuế phù hợp đối với thuốc lá, đồ uống có cồn và các sản phẩm kinh doanh có điều kiện khác để hạn chế sử dụng sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục