Đề xuất tăng nặng hình phạt đối với 'trùm' buôn lậu sừng tê giác

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên vừa có văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất tăng nặng hình phạt đối với ông “trùm” buôn lậu sừng tê giác.
Đề xuất tăng nặng hình phạt đối với 'trùm' buôn lậu sừng tê giác ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tối 22/3, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết đã có văn bản gửi Viện Kiểm sát ​Nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án ​Nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất kháng nghị bản án sơ thẩm dành cho Nguyễn Mậu Chiến-đối tượng bị nghi cầm đầu đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi từ châu Phi về Việt Nam.

Trước đó, trong phiên xét xử tại Tòa án Nhân dân quận Hà Đông ngày 20/3/2018, đối tượng Nguyễn Mậu Chiến đã bị kết án 13 tháng tù và phạt bổ sung 10 triệu đồng vì hành vi vận chuyển và tàng trữ hàng cấm.

Theo quan điểm của ENV, hình phạt trên còn quá nhẹ, chưa phản ánh đúng tính chất nghiêm trọng đối với hành vi phạm tội của vụ việc, cũng như đối tượng phạm tội. Vì thế, ENV đề xuất cần kháng nghị bản án sơ thẩm vụ án theo hướng tăng nặng hình phạt đối với “trùm” buôn lậu sừng tê giác.

Phân tích rõ hơn, ENV cho rằng việc Hội đồng xét xử quyết định tuyên Nguyễn Mậu Chiến phạm một tội dù trên thực tế bị cáo là người giữ vai trò chính, lôi kéo các đồng bọn, chỉ huy toàn bộ quá trình phạm tội và thực hiện hai hành vi phạm tội là “vận chuyển hàng cấm” và “tàng trữ hàng cấm” là không hợp lý.

Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Mậu Chiến đã đáp ứng cấu thành hai tội phạm độc lập theo quy định tại Điều 155 Bộ Luật hình sự 1999 và không liên quan đến nhau (hành vi vận chuyển không phải là điều kiện để thực hiện hay hệ quả tất yếu của hành vi tàng trữ và ngược lại).

[Mức án 13 tháng tù giam vụ buôn lậu sừng tê giác là chưa thích đáng]

Do vậy, việc Hội đồng xét xử tuyên án Nguyễn Mậu Chiến về một tội danh và quyết định hình phạt với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” là không hợp lí về mặt lí luận và thực tiễn xét xử. Bị cáo đã thực hiện hai hành vi độc lập và cần xác định hình phạt riêng cho mỗi hành vi vi phạm trước khi tổng hợp hình phạt.

Cũng theo ENV, việc Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm (p) Khoản 1 và Khoản 2 Điều 46 với các tình tiết “hành khẩn khai báo”, “hoàn cảnh gia đình khó khăn”, “đối tượng có nhân thân tốt, chưa từng có tiền án tiền sự” còn chưa phù hợp với thực tế.

Cụ thể, trong hai phiên tòa công khai xét xử vụ án ngày 27/11/2017 và ngày 20/3/2018, bị cáo đã trả lời vòng vo, không trung thực một số câu hỏi của Hội đồng xét xử và nhiều lần bị Thẩm phán yêu cầu trả lời trung thực.

Thêm vào đó, việc đối tượng có một trang trại nuôi nhốt 11 cá thể hổ tại Thanh Hóa (được khai thác hoạt động không vì mục đích thương mại) và tàng trữ một khối lượng lớn hàng cấm có giá trị đặc biệt lớn vì mục đích “sử dụng” cũng cho thấy gia đình bị cáo không gặp khó khăn về mặt tài chính.

Ngoài ra, xét trên tương quan hình phạt hơn 10 tháng tù đối với các đồng phạm Nguyễn Văn Tùng và Nguyễn Mậu Thuận, hình phạt 13 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Mậu Chiến là chưa tương thích với vai trò của bị cáo là người cầm đầu, lôi kéo và chỉ huy toàn bộ quá trình phạm tội vận chuyển hàng cấm cũng như tàng trữ hàng cấm của bị cáo và đồng bọn.

Vì thế, việc xử phạt Nguyễn Mậu Chiến 13 tháng tù là bất hợp lý, không có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã. Bởi lẽ đây là một trong những vụ có số lượng sừng tê giác và ngà voi lớn nhất bị bắt giữ trong nội địa Việt Nam, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế và trong nước../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục