Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục báo cáo, trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hiện nay, khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30%, tương ứng 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo; từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.
[Nới lỏng điều kiện hưởng lương hưu: Đóng ít thì hưởng như thế nào?]
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau 12 năm triển khai, bảo hiểm xã hội tự nguyện đã có nhiều bứt phá, đặc biệt là từ năm 2019. Từ năm 2008 đến hết năm 2018, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ đạt trên 277.000 người tham gia. Thế nhưng chỉ riêng trong năm 2019, số người tham gia đã đạt gần 574.000 người; trong đó số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.
Đến hết năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1,128 triệu người tham gia, tăng 554.000 người, hơn gấp đôi so với năm 2019; đạt khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, vượt chỉ tiêu năm 2021 được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Tuy trong những năm gần đây, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, ấn tượng, nhưng so với tiềm năng thì số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ ra rằng với việc đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là với những người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo sẽ tạo điều kiện giúp họ có đủ khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần hoàn thiện mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân để mọi người dân đều được tham gia vào lưới an sinh và có chính sách bảo hiểm xã hội chia sẻ, đảm bảo cuộc sống khi về già.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng để tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, Nhà nước cần phải có quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động có thu nhập bình quân tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương tối thiểu vùng. Những người này làm trong khu vực nông nghiệp như làm kinh tế hộ gia đình, sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo mô hình kinh tế trang trại…
“Nếu thu nhập của người lao động dưới mức tiền lương tối thiểu vùng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giống như đang áp dụng đối với nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhà nước cũng cần tăng phần hỗ trợ cho lao động nông dân nghèo, mới thoát nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện,” Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng đề xuất.
Tiến sỹ Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý (Đại học Kinh tế Quốc dân) đề xuất: “Nhà nước cần có mức hỗ trợ hợp lý cho người lao động khu vực phi chính thức để khuyến khích họ tham gia bảo hiểm xã hội. Có thể tham khảo cách làm của Trung Quốc, Thái Lan áp dụng hệ thống đồng đóng góp, trong đó người lao động đóng một phần và Chính phủ hỗ trợ một phần. Một số quốc gia khác giảm học phí cho con của những người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội để họ dùng tiền đó đóng bảo hiểm xã hội”.
Để hướng tới mục tiêu an sinh xã hội, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là đối tượng thuộc hộ nghèo và cận nghèo, một số địa phương đã kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung quy định về hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện./.