Đề xuất quy trình xác định hộ nghèo giai đoạn 2016-2020

Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo vùng quy trình và công cụ xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 10/4, tại thành phố Đà Nẵng, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo vùng quy trình và công cụ xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020.

Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Thế giới và 21 tỉnh, thành phố tham dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết hiện nay tại Việt Nam hộ nghèo được đo lường thông qua thu nhập.

Chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được quy ra bằng tiền. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp trong giai đoạn đầu khi giải quyết tình trạng nghèo về lương thực thực phẩm, dễ dẫn đến tình trạng bỏ sót đối tượng, nhận diện nghèo và phân loại đối tượng chưa chính xác.

Do vậy, việc xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều sẽ bảo đảm đời sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội. Vì vậy, hội thảo lần này là dịp để các nhà nghiên cứu, các địa phương cùng trao đổi kinh nghiệm đề xuất ý kiến để hoàn thiện quy trình và công cụ xác định hộ nghèo, hộ cần nghèo giai đoạn 2016 -2020.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc theo phương pháp đo lường hộ nghèo theo thu nhập còn một số hạn chế, nhiều hộ có xu hướng khai thu nhập thấp, nhiều nơi vẫn còn tình trạng "chạy hộ nghèo" để hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Bên cạnh đó, nhiều hộ có khoản thu nhập không thường xuyên và mang tính thời vụ nên việc đo lường thu nhập trực tiếp đặc biệt khó khăn. Qua xem xét số liệu ở 10 tỉnh, chỉ có khoảng 10% hộ khai báo thu nhập chính xác ở mức chuẩn nghèo hoặc chuẩn cận nghèo.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Việt Cường, Đại diện Văn phòng tư vấn Ngân hàng thế giới đề xuất xác định hộ nghèo, hộ cần nghèo nên thực hiện theo phương pháp cho điểm dựa trên tài sản và đặc điểm hộ gia đình (PTM), không điều tra trực tiếp mà ước lượng thu nhập dựa vào các đặc điểm của hộ gia đình theo hình thức phiếu khảo sát hộ nghèo theo năm tiêu chí nhân khẩu, giáo dục, việc làm, nhà ở và tài sản thông qua hình thức chấm điểm. Tuy nhiên, để xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đặc điểm hộ gia đình phải tùy thuộc vị trí, địa lý để có những thang điểm phù hợp.

Theo kết quả thí điểm khảo sát hộ nghèo bằng phương pháp cho điểm dựa trên tài sản và đặc điểm hộ gia đình tại Hòa Bình và Quảng Nam cho thấy việc khai thác thông tin theo phương pháp cho điểm dựa trên tài sản và đặc điểm hộ gia đình dễ dàng và chính xác hơn so với khai thác thu nhập; đánh giá hộ gia đình có tính chính xác cao, làm giảm đáng kể khối lượng hộ điều tra tại địa bàn có tỷ lệ nghèo thấp.

Tuy nhiên, mức độ phân loại bằng phương pháp cho điểm dựa trên tài sản và đặc điểm hộ gia đình còn hạn chế ở khu vực nông thôn, vì vậy, nên bổ sung các chỉ tiêu tài sản như: cửa hàng tạp hóa, vật nuôi, gia súc có giá trị...

Cụ thể, Viện khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tiến hành khảo sát hộ nghèo theo phương pháp thu nhập tại tổ 17 phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình (khu vực thành thị) chỉ có 2/123 hộ nghèo, chiếm 1,6%. Tuy nhiên, bằng phương pháp cho điểm dựa trên tài sản và đặc điểm hộ gia đình thì địa phương này có 32 hộ nghèo (chiếm 26,02%), 45 hộ thuộc diện bình xét (chiếm 36,59%).

Tương tự tại thôn 2, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam (khu vực nông thôn) có 125 hộ; trong đó, có 73 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo. Tuy nhiên, khi khảo sát theo phương pháp cho điểm dựa trên tài sản và đặc điểm hộ gia đình thì có 77 hộ nghèo (chiếm 61,6%), 43 hộ trong nhóm diện bình xét (chiếm 34,4%).

Thạc sỹ Phạm Minh Thu, Viện khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đề xuất các quy trình xác định hộ nghèo, trong đó cần tập trung tuyên truyền thông tin, phổ biến các nội dung về chuẩn nghèo để thu hút sự tham gia tích cực của người dân, tránh bỏ sót đối tượng.

Việc xác định tỷ lệ nghèo, số hộ nghèo trước khi bình xét cần có sự hợp tác của cơ quan thống kê; cần tích hợp với các chỉ số nghèo đa chiều trong thu nhập dữ liệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục