Đề xuất phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường

Phân loại dự án đánh giá tác động môi trường; thẩm quyền đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép xả thải là những nội dung chính được các đại biểu quan tâm thảo luận...
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, sáng 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Phân loại dự án đánh giá tác động môi trường; thẩm quyền đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép xả thải là những nội dung chính được các đại biểu quan tâm thảo luận...

Bảo đảm sự phù hợp thống nhất với quy định của các luật khác

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết để chủ động kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững, Dự thảo Luật đã bổ sung 2 nội dung chính sách về sàng lọc dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường; lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án như tại khoản 10 và khoản 11 (Điều 5).

[Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Tham vấn cộng đồng cần phải vì dân]

Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu rà soát, tiếp thu quy định cụ thể về giảm nhẹ rác thải khí nhà kính (Điều 92); quy định kiểm kê khí nhà kính cho phù hợp với quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; các cơ sở có liên quan để bảo đảm thực hiện hiệu quả hoạt động về bảo vệ tầng ô zôn (Điều 93).

Nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã quy định sự cố môi trường gồm có 4 cấp (cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia) xác định theo phạm vi ảnh hưởng về không gian, địa giới hành chính như tại khoản 2 Điều 124.

Đồng thời, Dự thảo Luật đã chỉnh lý các nội dung liên quan trách nhiệm chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường của cơ quan ứng phó ở Trung ương và địa phương cũng như trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân, cơ quan chuyên môn các cấp và tổ chức, cá nhân liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Về tính đồng bộ với hệ thống luật khác liên quan các nội dung bảo vệ môi trường, một số đại biểu cho rằng, vẫn còn duy trì rất nhiều văn bản luật khác có nội dung liên quan tới bảo vệ môi trường như Luật Đa dạng sinh học, Luật tài nguyên nước, Luật đầu tư công với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi ) vẫn còn nhiều điểm có sự giao thoa chưa thống nhất.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý Nhà nước về môi trường, bảo vệ môi trường cũng như công tác bảo vệ môi trường.

Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ những nội dung cần thiết phải quy định trong dự án luật để giải quyết những xung đột giữa các luật trong quy định về bảo vệ môi trường cũng như bảo đảm sự phù hợp thống nhất với quy định của các luật khác ban hành sau năm 2014 đến nay.

Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường

Về giấy phép môi trường nhiều đại biểu đồng tình với phương án 1 là chỉ dùng 1 loại giấy phép môi trường thay cho 7 loại, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Việc xác định một loại giấy phép môi trường thể hiện đúng thẩm quyền giao cho 1 cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và sẽ khắc phục được tình trạng nước thải xả ra môi trường phải chịu sự quản lý của 2 loại giấy tờ do 2 cơ quan quản lý cấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng nếu chúng ta thực hiện theo phương án này thì sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính qua hình thức tích hợp giấy phép và rút ngắn thời gian, thủ tục cấp giấy phép giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên để bảo đảm chặt chẽ cần phải có quy định cụ thể về quy trình cấp giấy phép; tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó ưu tiên hậu kiểm để bảo đảm thống nhất và không chồng chéo trong quá trình triển khai thực hiện nội dung.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Liên quan đến đánh giá tác động môi trường, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị nghiên cứu quy định phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường để làm căn cứ xác định danh mục dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, bảo đảm tính thống nhất của các luật có liên quan.

Theo đại biểu Phạm Văn Tuân nên xác định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường. Đồng thời căn cứ vào tiêu chí dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm có nguy cơ gồm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ bảo đảm sự thống nhất xuyên suốt các tiêu chí môi trường trong việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường; bảo đảm tính linh hoạt trong việc điều chỉnh danh mục đối tượng phải đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường.

Liên quan đến quy định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho phù hợp với với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn để hai phương án.

Phương án 1 nêu rõ tất cả các dự án đầu tư phải có chủ trương đầu tư đều là đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Phương án này có ưu điểm là đối tượng dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường thống nhất với các luật về đầu tư và xây dựng.

Tuy nhiên phương án 1 có hạn chế là bỏ sót nhiều dự án đầu tư có nguồn vốn từ tư nhân mà không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư (theo quy định của Luật Đầu tư) nhưng lại có tác động lớn đến môi trường.

Theo phương án 2 (tiếp thu để phù hợp với phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường quy định tại Điều 29b Dự thảo Luật) thì chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Phương án 2 có ưu điểm là giảm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao.

Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục