Đề xuất mở rộng thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội

Một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng hơn nữa quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội với việc bổ sung đối tượng chất vấn là lãnh đạo chính quyền địa phương.
Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội nghị đaiụ biểu Quốc hội chuyên trách. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 9/10, một buổi tọa đàm đặc biệt với sự tham dự, đóng góp ý kiến của cả các đại biểu Quốc hội và các nhà báo đưa tin về Quốc hội nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được Văn phòng Quốc hội phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) tổ chức tại Hà Nội.

Theo lãnh đạo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc xây dựng, ban hành đạo luật chung về hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân với những sửa đổi, bổ sung cần thiết nhằm khắc phục sự tản mạn các quy định về vấn đề này trong các văn bản pháp luật khác nhau, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

Để bảo đảm hoạt động giám sát, Dự thảo Luật quy định các chủ thể giám sát có quyền tổ chức lấy ý kiến, trưng cầu giám định khi cần thiết theo quy định của pháp luật. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho các chủ thể giám sát và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu cung cấp.

Góp ý vào Dự thảo Luật, các đại biểu có mặt tại buổi tọa đàm đánh giá so với Luật trước đây, hoạt động giám sát đã bổ sung quy định chủ thể giám sát có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát nếu có vi phạm. Tuy nhiên, nhiều khi pháp luật quy định không rõ thẩm quyền, nên khó xử lý.

Một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tham dự tọa đàm đề nghị mở rộng hơn nữa quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội với việc bổ sung đối tượng chất vấn là lãnh đạo chính quyền địa phương. Các đại biểu viện dẫn, trên thực tế có những việc xảy ra ở một địa phương khiến cử tri cả nước bức xúc nhưng đoàn đại biểu Quốc hội thuộc địa phương đó lại không có ý kiến về vấn đề dư luận quan tâm.

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến của các nhà báo cho rằng để giám sát đạt hiệu quả cao, việc quy định cụ thể trách nhiệm của chủ thể giám sát và chịu sự giám sát, với chế tài chặt chẽ có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, việc giám sát hiện nay vẫn còn có khoảng cách với yêu cầu cử tri và phát triển của đất nước.

Dự kiến, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 khai mạc vào trung tuần tháng 10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục