Đề xuất mở bến xe khách sau 0 giờ: Nhiều tranh cãi về tính khả thi

Việc mở tuyến xe chạy đêm cũng giúp cho hành khách có thêm lựa chọn nhưng cần phải được nghiên cứu kỹ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động.
Xe khách vẫn ngang nhiên dừng đỗ, đón trả khách ngay trước cổng các bến xe. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hà Nội đang nghiên cứu mở thêm các tuyến xe khách chạy sau 0 giờ với mục tiêu nhằm giảm ùn tắc, tối đa hoá hiệu quả khai thác các bến xe. Tuy nhiên, đề xuất này cũng vấp phải những tranh cãi về tính khả thi và những lợi bất cập hại.

Không hề đơn giản

Thống kê trên biểu đồ hoạt động của Sở Giao thông Vận tải cho thấy, hiện có 980 chuyến xe khách có giờ xuất bến trong khoảng thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau. Con số này chưa tính các chuyến xe xuất bến từ các tỉnh, thành phố từ đêm hôm trước tới các bến xe của Hà Nội trong khung giờ ban ngày.

Về khung giờ hoạt động, giờ xuất bến tại Bến xe Nước Ngầm từ 5 giờ đến 24 giờ hằng ngày; Bến xe Giáp Bát từ 5 giờ đến 20 giờ hằng ngày; Bến xe Mỹ Đình từ 5 giờ đến 23 giờ 45 phút hằng ngày; Bến xe Gia Lâm từ 6 giờ đến 23 giờ hằng ngày; Bến xe Yên Nghĩa từ 6 giờ đến 21 giờ 45 phút hằng ngày và Bến xe Sơn Tây từ 6 giờ đến 19 giờ hằng ngày. Ngoài các khung giờ trên, nếu có xe đến, các bến xe vẫn tiếp nhận kể cả khi đã đóng bến.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc mở bến xe sau 0 giờ sẽ kéo giãn tần suất phương tiện xuất bến vào các buổi sáng, qua đó góp phần hạn chế ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Sở cũng nghiên cứu phương án cho các phương tiện xuất bến sau 0 giờ đi các cung đường ngắn nhất nhằm tiết kiệm chi phí.

[Dịch bệnh COVID-19 làm sụt giảm vận tải hành khách từ 50-80%]

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đề xuất này còn cần phải xem xét kỹ lưỡng qua thực tế.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội, lượng hành khách tuyến ngắn thường tập trung vào các đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, gọi là “giờ vàng.” Trước đây, mật độ xe ra vào các bến dày đặc trong “giờ vàng” nên mới có hiện tượng ùn tắc cục bộ. Hiện nay, lượng khách đã giảm hẳn, kể cả ngày Tết, ngày lễ. Có bến xe khách công suất chỉ đạt 60% so với kế hoạch nên nếu có phát sinh ùn tắc giao thông chỉ là do xe khách cố tình “rùa bò,” lê la đón khách.

“Nếu mở bến xe sau 0 giờ sẽ phát sinh hiện tượng xe ‘chạy dù’ vào bến gom khách do khung giờ này lực lượng chức năng rất thưa thớt nên sẽ không ít xe cố tình chạy xuyên tâm, phá tuyến, đón trả khách, hình thành ‘bến cóc’, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông trong nội thành,” ông Liên bày tỏ lo ngại.

Mặt khác, ông Liên phân tích, Bộ Giao thông Vận tải đã có quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải khách liên tỉnh và Hà Nội cũng đã có quyết định quy hoạch mạng lưới này theo hướng tuyến Đông-Tây-Nam-Bắc. Năm 2017, Hà Nội đã mất rất nhiều thời gian, công sức để điều chỉnh mạng lưới xe khách liên tỉnh theo trật tự. Nếu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lại cho phép kéo dài thời gian hoạt động bến, tăng xe chạy đêm và cho chạy xuyên tâm thì chắc chắn sẽ một lần nữa gây xáo trộn lớn và thiệt thòi chính là doanh nghiệp vận tải.

Hơn nữa, theo ông Liên, việc mở bến xe sau 0 giờ cũng đồng nghĩa với hệ thống dịch vụ, đặc biệt là khối công ích phải đảm bảo cung cấp đủ hành khách như xe buýt sẽ phải chạy đêm, nhân viên môi trường, bảo vệ, Công an, Thanh tra Giao thông Vận tải… đều phải tăng cường làm đêm để đảm bảo các bến xe hoạt động tốt, an toàn, chất lượng.

“Chưa biết hiệu quả mở bến ban đêm đến đâu nhưng huy động cả hệ thống dịch vụ, công ích, an ninh như vậy không hề đơn giản,” vị Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhìn nhận.

Khách ít, lượng xe đã bão hòa

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, sản lượng vận tải của xe khách liên tỉnh sụt giảm liên tục do việc cung vượt quá cầu, khách ít xe nhiều và sự nở rộ của xe khách “trá hình.” Một dẫn chứng rõ nét nhất chính là vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua, lãnh đạo các bến xe cũng phải than thở về khách vắng vẻ lạ thường.

Theo đại diện một doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội, thời gian qua xe khách liên tỉnh phải vật lộn với sự sụt giảm lượng khách trên hầu khắp các tuyến. Thực trạng chung ở tất cả các bến xe là thiếu khách chứ không thiếu xe, nếu mở thêm tuyến nữa, lượng khách bị dàn mỏng hơn sẽ khiến nhà xe tiến gần hơn đến bờ vực phá sản.

“Trong tình hình khó khăn, vận tải khách lao đao vì dịch COVID-19 như hiện nay, việc mở thêm các tuyến xe khách liên tỉnh sau 0 giờ chưa chắc đã là giải pháp hiệu quả,” vị này nhấn mạnh.

Ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành nhà xe Hà Sơn-Hải Vân cho rằng, việc cho phép xuất bến sau 0 giờ chỉ phù hợp với những tuyến chạy đường dài, có địa điểm du lịch. Với hành khách, việc đi xe ban đêm cũng chưa được coi là thói quen hay sở thích của phần lớn hành khách bởi ban đêm nguy cơ xảy ra mất an toàn giao thông cao hơn hẳn ban ngày.

[Doanh nghiệp vận tải kiến nghị giảm gánh nặng vì dịch COVID-19]

Chung quan điểm này, ông Nguyễn Anh Bão, Giám đốc Công ty cổ phần Đại Phát, doanh nghiệp có tuyến xe khách chạy đêm đi Đà Nẵng ở Bến xe Giáp Bát bày tỏ lo ngại: “Hiện tại xe của đơn vị đã rất ít khách. Theo quy định 30 phút phải có một chuyến xe xuất bến. Doanh nghiệp muốn giảm bớt tần suất đi bởi như vậy vừa về bến đón được vài khách lại phải xuất bến.”

Ông Bão đề xuất tuyến đường dài dù chạy đêm hay chạy ngày cần giãn thời gian ra 1 tiếng/tuyến để doanh nghiệp vừa có thời gian đỗ xe, vừa xếp khách.

Một chuyên gia giao thông phân tích, lượng xe trên các tuyến Hà Nội đi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, khu vực Tây Nguyên… thực tế đã bão hoà, lượng khách không tăng đột biến. Thêm xe, thêm tuyến sẽ khiến sự cân bằng cung và cầu ngay lập tức bị phá vỡ, đảo lộn, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp có thể bị dồn đến chỗ phải ‘chạy dù’ để có khách, tăng doanh thu.

“Thay vì mở thêm tuyến xe khách liên tỉnh, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nên tập trung giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải nâng cao chất lượng phục vụ hành khách,” vị này kiến nghị.

Được biết, hiện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo để xin ý kiến các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan và các doanh nghiệp, làm cơ sở tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục