Đề xuất cần thiết phải có Luật riêng về dinh dưỡng học đường

Đề xuất xây dựng luật riêng về dinh dưỡng học đường được đưa ra tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Anh hùng Lao động Thái Hương phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp sáng 21/9
Anh hùng Lao động Thái Hương phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp sáng 21/9

Đề xuất xây dựng luật riêng về dinh dưỡng học đường được đưa ra tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp hàng đầu về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước sáng ngày 21/9

Sáng 21/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cùng tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các doanh nghiệp: Vin Group, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, Tập đoàn TH, Cơ điện lạnh (REE).

Doanh nghiệp tiên phong trong việc lớn, việc khó

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp lớn "chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới". "Các doanh nghiệp cần giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở lĩnh vực khác," ông nói.

Tham gia thảo luận tại hội nghị, Anh hùng Lao động Thái Hương – Nhà Sáng lập Tập đoàn TH, gây chú ý với đề xuất xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường, nhằm cải thiện sức khỏe, tầm vóc thế hệ trẻ nói riêng và người Việt nói chung.

Cải thiện dinh dưỡng, sức khỏe và tầm vóc thế hệ trẻ, chuẩn hóa lĩnh vực dinh dưỡng học đường hiện đều là những thách thức lớn của Việt Nam. Đề xuất “việc khó” trên của Tập đoàn TH được xuất phát từ tinh thần, khát vọng của một “tập đoàn doanh nhân yêu nước”, mong muốn góp phần tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, như những gì Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã khuyến khích.

Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược TH phân tích, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ mà chiều cao trung bình còn thấp, đứng thứ 15 từ dưới lên trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

dinh duong hoc duong.jpg
Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên được thực hiện tại 10 tỉnh, thành tại đủ 5 vùng sinh thái trên cả nước, góp phần cung cấp nền tảng khoa học, thực tiễn cho chính sách về dinh dưỡng học đường.

Sữa tươi là nguồn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 86% chiều cao và thể chất của một đời người phát triển khi đến 12 tuổi. Như vậy, việc đầu tư về thể lực và trí lực cho lứa tuổi vàng này là vô cùng quan trọng để không bỏ lỡ cơ hội phát triển quý giá trong vòng đời.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, như Nhật Bản, từ năm 1954, đã có Luật dinh dưỡng học đường, quy định các tiêu chuẩn dinh dưỡng và quản lý an toàn thực phẩm cho bữa ăn học đường. Tại Thái Lan, Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chuẩn về bữa trưa tại trường. Và tại Indonesia, Tổng thống mới đắc cử đã cam kết sẽ triển khai chương trình Bữa trưa miễn phí cho học sinh từ năm 2025,…

“Tập đoàn TH xin đề xuất xây dựng một bộ luật riêng là Luật Dinh dưỡng học đường. Cần phải có luật riêng vì các nội dung quy định sẽ rất lớn và bao trùm, ảnh hưởng tới sức khỏe tầm vóc của thế hệ tương lai. Theo kinh nghiệm các nước đã thành công trong đó có Nhật Bản là một minh chứng rõ ràng” – Anh hùng Lao động Thái Hương bày tỏ.

Đã có nền tảng thực tiễn cho việc cân nhắc có luật dinh dưỡng học đường

Trước thực trạng dinh dưỡng học đường và bữa ăn học đường đang tồn tại nhiều bất cập, đề xuất của Anh hùng Lao động Thái Hương và Tập đoàn TH về xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường được đánh giá là cần thiết, nhất là trong bối cảnh cũng đã có những căn cứ khoa học, thực tiễn từ các nghiên cứu thực nghiệm bài bản của các cơ quan như Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Giáo dục & Đào tạo,…

Năm 2013, Viện dinh dưỡng Quốc gia và các chuyên gia dinh dưỡng của Pháp, phối hợp với TH, xây dựng mô hình kết hợp với nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm, thực hiện tại 15 trường mẫu giáo và tiểu học với 3.600 trẻ thuộc huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An.

Nghiên cứu này được đánh giá là nghiêm túc, khoa học và có triển khai những nhóm đối chứng minh bạch, có đánh giá khẩu phần và thiếu vi chất dinh dưỡng bằng xét nghiệm máu, vitamin A, kẽm và Hb trước và sau khi uống sữa.

Sữa tươi tiệt trùng sữa học đường TH true MILK sử dụng trong nghiên cứu là sản phẩm đầu tiên được Bộ Y tế xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em, là cơ sở thực tiễn để ban hành tiêu chuẩn Sữa học đường trong Đề án Sữa học đường Quốc gia, bằng Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần giảm thiểu tình trạng đưa sữa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào trường học.

dinh duong hoc duong 2.jpg
Kết quả nghiên cứu cho thấy Mô hình điểm đã có hiệu quả tích cực đối với sự phát triển chiều cao, cân nặng của trẻ, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường thể lực cho cả ba đối tượng: học sinh, nhà trường và phụ huynh.

Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các chuyên gia độc lập, tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của các nước phát triển trên thế giới (Nhật Bản) để thực hiện “Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên.”

Mô hình điểm được triển khai thí điểm trong năm học 2020-2021 tại 10 trường thuộc 10 tỉnh thành, đại diện cho 5 vùng sinh thái lớn trên cả nước, bao gồm: miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Trong Mô hình điểm, bữa ăn học đường được tiếp cận theo hướng sử dụng thực phẩm hoàn toàn từ tự nhiên, dựa trên lợi thế về nông nghiệp của vùng miền, sữa tươi nguyên chất được đưa vào cấu phần bữa ăn một cách khoa học.

Can thiệp chính của mô hình là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng, bữa phụ chiều sử dụng 1 ly sữa tươi nguyên chất để cải thiện khẩu phần canxi, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất.

Kết quả thực tiễn từ Mô hình điểm chỉ ra rằng, nếu cung cấp cho các trường các điều kiện cần và đủ bao gồm kiện toàn cơ sở vật chất, nhân lực, đào tạo chuyên môn, kết hợp giữa giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất thì có thể cải thiện được tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, giảm suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì, các em phát triển tốt hơn về thể chất, tạo được thói quen ăn uống lành mạnh, giúp phòng chống bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục