Tiếp theo các hoạt động của Năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm chủ nhà, Hội nghị của Nhóm đặc trách cao cấp về Hội nhập kinh tế ASEAN lần thứ 37 (HLTF-EI 37) đã được tổ chức từ ngày 12-13/2, tại Hà Nội.
Hội nghị đã thảo luận và đề xuất một số khuyến nghị quan trọng, mang ý nghĩa chiến lược về tầm nhìn và các hoạt động hợp tác về hội nhập kinh tế nội và ngoại khối của ASEAN.
Hội nghị có sự tham gia của cấp Thứ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và Phó Tổng Thư ký ASEAN.
Với tư cách chủ trì điều phối hợp tác trong trụ cột kinh tế ASEAN của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế Trần Quốc Khánh đã đảm nhiệm vai trò Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị này.
Đối với hội nhập kinh tế nội khối, Hội nghị HLTF-EI 37 tập trung thảo luận các nội dung chính như rà soát giữa kỳ Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong khu vực đang có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp, khó đoán định, dựa trên cơ sở các kết quả thảo luận để đề xuất các khuyến nghị lên các bộ trưởng và các Nhà Lãnh đạo nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025.
['Bài toán' và 'lời giải' cho kinh tế nội khối khu vực ASEAN]
Bên cạnh đó, Hội nghị đưa ra Chiến lược tổng hợp của ASEAN trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nghiên cứu cơ sở về Hệ thống quản lý văn bản quy phạm pháp luật trong ASEAN và các ưu tiên trong trụ cột kinh tế của ASEAN trong năm 2020 do Việt Nam đề xuất.
Mặt khác, nhằm củng cố và tăng cường các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác ngoại khối, Hội nghị cũng đã thảo luận một số nội dung có liên quan như cách tiếp cận các đối tác FTA mới; tiến trình và tương lai đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Tại Hội nghị, các đóng góp của Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến các ưu tiên trong trụ cột kinh tế của ASEAN trong năm 2020 do Việt Nam đề xuất đã được các nước đánh giá cao và coi đây là cơ sở để thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực kinh tế.
Ngoài ra, các nước cũng xem xét đề xuất của Việt Nam về cách tiếp cận mới mang tính hài hòa cho các cuộc đàm phán FTA của ASEAN, đặc biệt là đàm phán Hiệp định RCEP, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động phức tạp và chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên ở một số nơi.
Trên cơ sở đó, Hội nghị tái khẳng định cam kết của ASEAN đối với việc duy trì các động lực cho việc tăng cường thương mại và đầu tư trong khu vực thông qua thúc đẩy các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do của ASEAN; trong đó, ưu tiên cao nhất là thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP đạt kết quả thiết thực cho tất cả các nước tham gia.
Các khuyến nghị về chiến lược hợp tác sắp tới của ASEAN tại Hội nghị HLTF-EI 37 sẽ được trình lên Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 vào tháng Ba tới, tại thành phố Đà Nẵng để xem xét thông qua. Kết quả cuối cùng được báo cáo lên các Nhà Lãnh đạo ASEAN vào tháng Tư tới./.