Hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt trong thời gian qua đã gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là ở các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Do đó, theo số liệu tổng hợp ban đầu từ các địa phương, nhu cầu đề xuất hỗ trợ trước mắt của các địa phương là khoảng 4.020 tỷ đồng, hỗ trợ lâu dài là 15.198 tỷ đồng và hỗ trợ thêm khoảng 12.064 tấn gạo.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đề xuất hỗ trợ thêm 12.060 viên khử khuẩn Aquatabs, 2.024 thiết bị lọc nước, 15.692 thiết bị và 6.800 can chứa nước, 15,033 tấn chất khử trùng.
Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã phát động phong trào “Chung tay góp sức cùng đồng bào miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn.” Cứu trợ khẩn cấp nước uống, can nhựa đựng nước và viên khử khuẩn Aquatabs cho 11 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Các tổ chức chính trị xã hội khác, các tổ chức phi chính phủ cũng đã đóng góp nguồn lực hỗ trợ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng nặng do hạn hán và xâm nhập mặn.
Chủ trì cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai bàn giải pháp ứng phó hạn hán và mặn xâm nhập khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra sáng nay(15/4), Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh rằng, các đơn vị cần quyết liệt chỉ đạo và huy động mọi nguồn lực ứng phó hạn hán và mặn xâm nhập.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trước mắt các đơn vị cần tập trung chủ yếu đảm bảo lương thực và nước sinh hoạt cho nhân dân, không để nhân dân thiếu đói và nước sinh hoạt hoặc phải mua nước với giá cao.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, các địa phương, các cơ quan liên quan rà soát, kiểm kê nguồn nước và dự báo sát tình hình thời tiết, thông tin đến người dân và các cấp chính quyền để chủ động đối phó với khả năng hạn hán kéo dài và mở rộng.
“Các địa phương tiến hành điều chỉnh cơ cấu mùa vụ tại các nơi không đảm bảo nguồn nước, không để người dân sản xuất tại những nơi thiếu nước và có nguy cơ thiệt hại kép,” Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị./.
Theo báo cáo của các địa phương, ước tỉnh tổng thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long tính đến ngày 13/4 đã lên đến khoảng 5.161 tỷ đồng. Những địa phương thiệt hại nhiều nhất là Kiên Giang khoảng gần 1.500 tỷ đồng, Đắk Lắk khoảng 1.110 tỷ đồng…
Cụ thể, cả nước có khoảng hơn 390.000 hộ dân bị thiếu nước, 232.434ha lúa bị thiệt hại, 17.136ha hoa màu thiệt hại, 61.992ha cây ăn quả thiệt hại, 62.558ha cây công nghiệp bị thiệt hại, 4.052ha thủy sản bị thiệt hại.