Tình trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên đang xảy ra chủ yếu ở các ngành thâm dụng lao động. Chính vì thế, đây là cũng là thời điểm tốt để triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Cắt giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tại địa phương này có 26 doanh nghiệp đã ra thông báo cho gần 3.000 người lao động nghỉ việc (trên tổng số 15.000 lao động), chiếm gần 1/5 lao động. Chỉ riêng trong tháng 10, thành phố đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho hơn 11.000 người.
Hai doanh nghiệp có lượng lao động lớn sẽ nghỉ việc từ tháng 12/2022 là Công ty TNHH Việt Nam Samho (Củ Chi) hoạt động trong lĩnh vực giày da dự kiến cắt giảm 1.400 lao động và Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 lao động từ ngày 1/12.
Bên cạnh các doanh nghiệp cắt giảm lao động, một số doanh nghiệp phải giảm giờ làm. Tại doanh nghiệp sử dụng đông lao động nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (có hơn 50.000 lao động làm việc), công ty đã thông báo sẽ cho 20.000 lao động nghỉ việc luân phiên trong 3 tháng từ ngày 1/12/2022 đến ngày 28/2/2023. Sau đó, tuỳ theo tình hình đơn hàng mà doanh nghiệp sẽ có phương án tiếp theo.
[Doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, hàng vạn lao động mất việc trước Tết]
Trong 5 tháng qua, Đồng Nai cũng đã có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Một số doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động với số lượng lớn là các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ như Công ty TNHH gỗ Lee Fu đã cắt giảm gần 60% lao động, tương đương cắt giảm hơn 1.000 người; Công ty TNHH Timber đang tạm hoãn hợp động với 853 lao động trong số 3.466 lao động.
Tại Bình Dương, báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình dương cho thấy đa số các doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 300 lao động hiện tại vẫn ổn định không có tình trạng cắt giảm lao động. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lớn trong các ngành gỗ, dệt may, da dày có tình trạng giảm đơn hàng và hàng hóa không xuất đi được dẫn đến các doanh nghiệp không tổ chức tăng ca, giảm cả ngày làm việc thứ 7, hoạt động cầm chừng. Một số doanh nghiệp khác đã bắt buộc phải cắt giảm lao động lên đến 30%.
Nới hỗ trợ đào tạo nghề từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Tình trạng cắt giảm lao động xảy ra chủ yếu ở những ngành sản xuất hàng xuất khẩu do doanh nghiệp không có đơn hàng. Vì vậy, một số doanh nghiệp mặc dù không thực hiện cắt giảm lao động nhưng buộc phải cho lao động nghỉ việc luân phiên, giãn việc để chờ đơn hàng mới. Số lượng lao động bị giảm giờ làm, giãn việc nhiều hơn so với số lao động mất việc.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng thời gian lao động bị giãn việc cũng là cơ hội để người lao động nên tranh thủ để học tập, nâng cao kỹ năng, tay nghề để ứng phó với tình hình mới.
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng bên cạnh việc chủ động tìm nguồn hàng để bố trí việc làm đều đặn cho người lao động, doanh nghiệp cũng cần tăng cường đào tạo nghề cho người lao động. Trong lúc ngắt quãng sản xuất, doanh nghiệp nên tổ chức nâng cao trình độ cho người lao động để sau đó doanh nghiệp có thể đón đầu việc phục hồi, phát triển kinh tế, tái cấu trúc, chuyển đối cơ cấu ngành nghề tiếp nhận đơn hàng trong thời gian tới.
Đồng tình với quan điểm doanh nghiệp nên tận dụng thời gian để đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động, tuy nhiên bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp, VCCI mong muốn đề xuất doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
“Từ nguồn kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp, các cơ quan chức năng nên xem xét hỗ trợ trực tiếp chi phí cho doanh nghiệp phục vụ công tác đào tạo cho người lao động. Điều này vẫn đúng với mục tiêu của quỹ là đào tạo, đào tại lại, nâng cao tay nghề cho người lao động,” bà Vi Thị Hồng Minh nói.
Trong bối cảnh thiếu đơn hàng phải giãn việc, khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp sẽ cần có sự hỗ trợ kinh phí từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp mới có thể đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động. Nhiều lao động đang thiếu việc làm, thay vì lao động phải mất việc về quê thì nếu được hỗ trợ, họ vẫn có thể ở lại doanh nghiệp và hưởng lợi từ chương trình đào tạo.
Bà Vi Thị Hồng Minh cho rằng giống như người lao động đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng thì sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho doanh nghiệp trong một khoảng thời gian phù hợp, có thể trong 3 tháng và tiếp tục tuỳ theo tình hình kinh tế mà có phương án hỗ trợ tiếp theo.
Đề xuất mở rộng hỗ trợ đào tạo nghề từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động khi gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế đã được đưa ra trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng. Tuy nhiên, bà Vi Thị Hồng Minh cho rằng việc sửa luật là một sự thay đổi dài hơi, trong khi việc hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế phải thực hiện kịp thời.
Theo bà Minh, rút kinh nghiệm từ các chính sách hỗ trợ trước đây doanh nghiệp rất khó tiếp cận, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng kinh tế cần phải đột phá hơn, các điều kiện cũng nên nới lỏng hơn.
“Các chính sách nên trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc thực hiện, không nên lo sợ trục lợi bởi chúng ta còn có công tác hậu kiểm. Nếu ban hành chính sách mà lo sợ trục lợi thì sẽ khó khả thi, doanh nghiệp sẽ không tiếp cận được nguồn hỗ trợ như các giai đoạn trước đây,” bà Vi Thị Hồng Minh nhấn mạnh./.