Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến kiện hoàn thiện dự thảo nghị định điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng. Theo đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp xã hội thực hiện từ 1/7/2021 hoặc từ 1/1/2022.
Hai phương án tăng lương hưu
Với phương án điều chỉnh từ ngày 1/7, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị tăng 10%. Mức này được cho là để bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế năm 2019 (GDP tăng 7,02%) và năm 2020 không điều chỉnh lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Số người được điều chỉnh từ ngân sách Nhà nước chi trả ước tính hơn 925.000 người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỷ đồng, bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế. Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 2,15 triệu, với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỷ đồng.
Phương án áp dụng điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp xã hội từ ngày từ 1/1/2022 thì mức tăng là 15%. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lý giải mức tăng này đảm bảo bù đắp trượt giá duy trì giá trị của lương hưu, trợ cấp trước lạm phát, chia sẻ thành quả phát triển kinh tế ba năm liên tiếp từ 2019-2021 và không thực hiện điều chỉnh lương hưu giai đoạn 2020-2021.
[Chăm sóc người cao tuổi là trách nhiệm của toàn xã hội]
Theo phương án tăng 15%, ngân sách Nhà nước sẽ chi trả cho gần 897.000 người với kinh phí dự kiến tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng. Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả cho khoảng 2,28 triệu người với kinh phí dự kiến tăng thêm 168.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất điều chỉnh mức hưởng cho những người nghỉ hưu trước năm 1995 và đang hưởng lương hưu thấp dưới 2,5 triệu đồng. Nếu sau khi điều chỉnh mà mức hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng thì tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; nếu mức hưởng dao động từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng thì điều chỉnh sao cho đủ 2,5 triệu đồng.
Lựa chọn phương án có lợi hơn cho người lao động
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc cải cách tiền lương đang khá chậm do có quá nhiều vấn đề phức tạp không thể giải cùng một lúc. Trước đây, mỗi khi tăng lương cơ sở, chúng ta kết hợp tăng lương hưu luôn, nhưng kế hoạch tăng lương cơ sở từ 1/7/2020 đã phải tạm lùi. Nếu tách biệt lương hưu cũng tốt, nhưng thực hiện thế nào để người dân không sốc, không bị tâm lý. Do đó, việc thực hiện cải cách tiền lương cần có sự cân nhắc, lộ trình cần có sự tính toán cụ thể, hài hòa, dựa trên chỉ số trượt giá cũng như tốc độ phát triển kinh tế...
Cũng theo ông Phạm Minh Huân, về cải cách lương hưu không quá lo, vì có 2 nguồn ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Với những người về hưu trước năm 1995 sẽ dùng ngân sách Nhà nước (số này không nhiều), còn những người về hưu từ sau năm 1995 sẽ do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.
“Hiện nay, đời sống của một bộ phận người về hưu đang rất khó khăn, nhất là với những người đang hưởng lương hưu dưới 2 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, dự thảo tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, thay vì tăng vào 1/7/2021 với mức tăng 10%, chúng ta có thể lùi thời điểm tăng tới từ 1/1/2022 và thực hiện tăng 15%. Với người dân tăng càng nhiều càng tốt, vấn đề là ngân sách có trụ được không,”-ông Huân nói.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) ủng hộ phương án nào có lợi hơn cho người hưu trí. Nhóm hưu trí có lương thấp đa số là công nhân lao động trực tiếp. Do khi đi làm có thu nhập thấp nên kéo theo tiền đóng bảo hiểm xã hội thấp, đến khi về hưu lại tiếp tục khó khăn hơn. Do đó, phương án có thể chậm hơn một chút, nhưng tỷ lệ được hưởng cao hơn, có lợi hơn cho người hưu trí thì sẽ hợp lý./.