Đề xuất gói hỗ trợ cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhiều trường tư thục mầm non phải đóng cửa sang tên rao bán, nhiều người lao động phải chuyển đi làm công việc khác.
Đề xuất gói hỗ trợ cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 11/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về nhóm vấn đề thuộc giáo dục và đào tạo, trong đó có các vấn đề về biên chế và tinh giản biên chế trong ngành giáo dục; y tế học đường và xã hội hóa lĩnh vực giáo dục-đào tạo.

Cùng với trả lời chất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tham gia cung cấp thêm thông tin và báo cáo giải trình với Quốc hội về các nội dung trên.

Giải quyết tình trạng giáo viên vừa thiếu, vừa thừa

Tham gia giải trình cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về các nội dung liên quan đến biên chế, tổ chức hệ thống giáo viên các cấp học, và các địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết vừa qua, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành rà soát rất kỹ lưỡng trên cơ sở báo cáo của 63 tỉnh, thành phố.

Số lượng giáo viên thiếu là 94.714 người, giáo viên thừa là 10.178 người và biên chế giáo viên đã giao nhưng chưa tuyển dụng là 42.774 người. Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp, đánh giá và căn cứ vào định mức học sinh, giáo viên trên lớp, xác định được con số giáo viên còn thiếu là 65.980 người.

“Từ số liệu nêu trên, chúng ta thấy một thực tiễn đó là giáo viên vừa thiếu, vừa thừa, trong đó có cả chưa tuyển dụng khi đã có biên chế được giao," Bộ trưởng cho biết.

Để giải quyết và khắc phục vấn đề này, theo Bộ trưởng, cả về trước mắt lẫn lâu dài, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đang tập trung rất cao, quyết liệt để quán triệt và thực hiện tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa (XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập," với mục tiêu giảm 10% số đơn vị sự nghiệp và giảm 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng cho biết giai đoạn 2017-2021, Chính phủ đã làm rất thành công, giảm được trên 10% đơn vị sự nghiệp; giảm được 11,79 % người có biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó có cả giáo dục và đào tạo nhưng mới chỉ phần lớn là giáo dục đại học.

Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu này theo tinh thần của Nghị quyết số 19. Do đó, vấn đề đặt ra tiếp theo đối với các địa phương, Bộ Nội vụ đề nghị tập trung rà soát, sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường, lớp một cách trách nhiệm để giảm điểm trường, số trường, qua đó tăng trường liên cấp, liên xã và tăng trường bán trú.

Theo Bộ trưởng, thực tiễn có nhiều địa phương làm rất thành công trong vấn đề này và đã giải quyết được một bài toán lớn về vấn đề biên chế cũng như tổ chức bộ máy. Có 37 địa phương làm rất tốt nhưng bên cạnh đó cũng có những địa phương thực sự chưa quyết liệt thực hiện vấn đề này.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ rất căn bản và quan trọng nữa đối với ngành giáo dục và đào tạo đó là phải tập trung đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Ở những nơi có điều kiện, vừa qua có rất nhiều tỉnh, thành phố làm rất thành công.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện vấn đề này, Bộ Nội vụ nhận thấy cũng còn những phát sinh, những vướng mắc. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ có liên quan rà soát lại toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là một số nghị định đã triển khai, để bổ sung, hoàn thiện các thể chế và cơ chế chính sách tự chủ và xã hội hóa giáo dục đào tạo.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài chính sẽ sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định để thay thế Nghị định 59/2014/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Đến nay, Nghị định 59/2014/NĐ-CP đã hết thời hiệu, nên phải cần thiết có nghị định để thay thế.

[Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo: Xử lý nghiêm việc dạy thêm trực tuyến]

Vấn đề tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại toàn bộ những văn bản quy định về định mức học sinh trên lớp, quy định về định mức giáo viên trên lớp cho phù hợp với từng vùng, miền để định hướng cơ cấu lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; gắn việc nâng cao chất lượng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19 với Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, qua đó tham mưu cho Chính phủ giải quyết những vấn đề vướng mắc, nhất là việc tự chủ đại học.

Liên quan đến việc chuyển hạng, xếp lương giáo viên để đảm bảo giáo viên không thiệt thòi, tạo điều kiện cho giáo viên một cách tốt nhất, cùng với đó là tháo “nút thắt” trong tuyển dụng giáo viên mới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp rà soát, sửa đổi chùm các thông tư về văn bằng, chứng chỉ của giáo viên, để giải quyết tiếp những tồn đọng liên quan đến số lượng giáo viên hợp đồng từ năm 2015 trở về trước.

Đề xuất gói hỗ trợ cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ảnh 2Quang cảnh phiên chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Vừa qua, cơ quan chức năng mới giải quyết được khoảng 50.000 trường hợp, nhưng vẫn còn tồn đọng số lượng lớn trường hợp chưa được giải quyết. Những tồn đọng này chủ yếu vướng do thực hiện chùm thông tư này.

Bộ trưởng mong muốn tạo cơ hội cho các giáo viên đã có 10 năm, 15 năm hợp đồng được xét tuyển vào biên chế trong ngành giáo dục. 

Cử nhân viên y tế địa phương phụ trách y tế học đường

Về câu hỏi chất vấn của đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) đến biên chế, vị trí việc làm trong chăm sóc sức khỏe và y tế học đường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện nay số trường phổ thông trên cả nước còn thiếu nhân viên y tế là khoảng 30%. Tuy nhiên, sắp tới nếu như tuyển cả số thiếu này sẽ làm gia tăng bộ máy và biên chế.

Trước mắt, giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã thống nhất chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình phòng, chống dịch và điều kiện nhân viên y tế trên địa bàn của mình, cử nhân viên y tế để phụ trách việc y tế học đường. Còn về tương lai, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có trao đổi thống nhất với Bộ Nội vụ và sẽ báo cáo Chính phủ về nhân viên y tế trong trường học.

1,2 triệu trẻ mầm non có nguy cơ không có chỗ học

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phúc Bình Niê Kdăm (Đắk Lắk) về cơ chế hỗ trợ cho giáo viên mầm non ngoài công lập, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh trước tác động của dịch bệnh, hệ thống các trường tư thục, đặc biệt là hệ thống các trường tư thục mầm non đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Theo Bộ trưởng, các cơ sở giáo dục mầm non hiện đảm nhiệm việc nuôi dạy cho 22,3% số trẻ ở độ tuổi đến trường, với 90.500 người lao động đang làm trong hệ thống này với hơn 19.000 cơ sở, trong đó bao gồm cả trường mầm non và các nhóm trẻ. Số này thực sự đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở phải đóng cửa sang tên rao bán, nhiều người lao động phải chuyển đi làm công việc khác. Như vậy, có 1,2 triệu các cháu trong độ tuổi mầm non đang nguy cơ không có chỗ học.

Đây là một con số không nhỏ và nhận thức thấy nguy cơ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tính toán nắm nhu cầu, có cơ sở dữ liệu đầy đủ về số lượng và xây dựng một phương án đề xuất gói tài chính và đang trình Chính phủ để xem xét hỗ trợ cho cả người lao động và hỗ trợ cho các cơ sở. Tổng số tiền ngành giáo dục đang đề xuất gói hỗ trợ trên là hơn 800 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành cũng có đề xuất một số cơ chế hỗ trợ về việc vay vốn, thuế và các điều kiện hỗ trợ khác cho cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục