Ngày 8/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn du lịch cấp cao “Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững."
Diễn đàn là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 16 năm 2022 (ITE HCMC 2022) đang diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Diễn đàn có sự tham dự Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; đại diện Bộ Du lịch Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan; lãnh đạo các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp du lịch cả nước nhằm trao đổi, thảo luận, đề xuất giải pháp phục hồi du lịch quốc tế, phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng) và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong thời gian dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị đổi mới sản phẩm, dịch vụ; nâng cấp cơ sở hạ tầng...
Hiện tại dù đại dịch chưa hết nhưng chúng ta có thể tự tin thực hiện giải pháp mở rộng và phát triển hơn nữa du lịch trong bối cảnh mới.
Các doanh nghiệp, các địa phương cần thực hiện nhanh hơn các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, trong đó có lĩnh vực du lịch. Cụ thể, hỗ trợ những người tạm thời chuyển từ ngành du lịch sang ngành nghề khác sớm quay trở lại làm việc.
Song song đó, cơ quan chức năng phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ liên quan ngành du lịch. Đặc biệt, qua đại dịch cần xem xét lại chính sách phát triển du lịch để đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững hơn.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết bức tranh du lịch Việt Nam đã có nhiều điểm sáng, mang tín hiệu khởi sắc. Trong 8 tháng của năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt, đến từ các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Anh, Đức, Pháp...
Tổng số khách du lịch nội địa 8 tháng qua đạt khoảng 79,8 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 356.600 nghìn tỷ đồng.
Số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50-75%. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ.
[Để du lịch MICE bứt phá: Chiến lược cho bước phát triển mới]
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh phục hồi du lịch Việt Nam nói chung, khơi thông thị trường du lịch quốc tế nói riêng đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương, với sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng, doanh nghiệp.
Có thể khẳng định ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, chủ động cấu trúc lại thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa, chuẩn bị các điều kiện bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh trở lại sau dịch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, đòi hỏi Việt Nam cần có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu COVID-19. Trong đó, thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025.
Du lịch MICE dự báo có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, tạo sức lan tỏa về điểm đến, song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc điểm đến, sản phẩm trải nghiệm...
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, với nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên thuộc hàng kỳ quan thế giới, bãi biển đẹp, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng hoàn thiện, hệ thống khách sạn, resort đẳng cấp quốc tế, cùng với tình hình chính trị ổn định, sự hiếu khách của người dân, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn và hấp dẫn.
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa.
Các điểm đến trong nước phát triển loại hình du lịch MICE gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh. Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Theo đó, để du lịch MICE thực sự phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan.
Cụ thể, nhu cầu và tiềm năng của du lịch MICE rất lớn nhưng Việt Nam mới khai thác được một phần nhỏ, nên cộng đồng doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau, với chính quyền địa phương để phát huy thế mạnh từ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đến phục vụ lượng khách MICE quy mô lớn, đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao.
Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục kết nối, quảng bá, vận động tổ chức nhiều sự kiện đẳng cấp khu vực và quốc tế để thúc đẩy phát triển du lịch MICE, coi đây là yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch bứt tốc trong thời gian tới./.