Đề xuất giải pháp giảm độ mặn cho đất nông nghiệp vùng ĐBSCL

Các chuyên gia Khoa Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) đã đề xuất 3 nhóm giải pháp giảm độ mặn gồm che phủ mặt đất, bón vôi hoặc thạch cao, kết hợp lên liếp và bón phân hữu cơ.
 Vựa cây trái của cả nước đang phải gồng mình gánh chịu hạn hán, xâm nhập mặn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vốn được coi là vùng sông nước, là vựa cây trái của cả nước nhưng hiện đang phải gồng mình gánh chịu hạn hán, xâm nhập mặn.

Đất có độ mặn 1 phần nghìn, cây cối đã bắt đầu bị ảnh hưởng nhưng tại một số tỉnh trong vùng con số này đã vượt ngưỡng 4 phần nghìn.

Trước thực trạng đó, các chuyên gia Khoa Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) đã đề xuất các giải pháp nhằm giảm độ mặn cho đất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

[Cần đa dạng nguồn lực để giải quyết tình trạng sạt lở và xâm nhập mặn]

Phó Giáo sư Châu Minh Khôi cho biết theo báo cáo của Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) xâm nhập mặn được ghi nhận ở 10/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại các cửa sông có độ mặn từ 4 phần nghìn: sông Vàm Cỏ Đông xâm nhập mặn 66km, Vàm Cỏ Tây 115km, cửa Tiểu 37km, cửa Đại 38km, Hàm Luông 56km, Cổ Chiên 21km, sông Hậu 23km, sông Cái Lớn 41km...

Ở mức xâm nhập mặn này, đất canh tác nông nghiệp trong vùng bị ảnh hưởng nặng nề: cây bị cháy lá, bạc màu, chết khô, mất mùa trên diện rộng.

Diện tích cây sầu riêng hơn 5 năm tuổi đang cho thu hoạch khó phục hồi vì bị nhiễm mặn. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Đơn cử, Bến Tre hiện có trên 5.200ha diện tích lúa bị thiệt hại; khoảng 20.000ha cây ăn trái, 72.000ha dừa và hơn 1.000ha cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, nước mặn đã xâm nhập đến cầu Mỹ Thuận, làm ảnh hưởng đến tất cả các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện còn 2.270ha lúa vùng dự án ngọt hóa Gò Công xuống giống sau lịch khuyến cáo thời vụ cũng trong tình trạng thiếu nước ngọt, nguy cơ mất mùa cao.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long làm thiệt hại gần 39.000ha diện tích sản xuất lúa; khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.

Năm tỉnh trong vùng gồm Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Long An đã công bố tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn.

Người dân chủ động đào kênh phủ bạt trữ nước để tưới cho vườn cây trái ở ấp Tân Lang, xã Tân Phú, huyện Châu Thành. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Phó Giáo sư Châu Minh Khôi đề xuất 3 nhóm giải pháp: che phủ mặt đất, bón vôi hoặc thạch cao, kết hợp lên liếp và bón phân hữu cơ. Theo đó, che phủ mặt đất với vật liệu màng polyester hoặc tận dụng tàn dư thực vật (rơm rạ, lục bình, cỏ khô...) sẽ giúp giữ nước bề mặt không bị bốc hơi khi trời nắng nóng, làm gia tăng độ nhiễm mặn của đất, rơm rạ, lục bình, cỏ khô...

Phương pháp bón vôi hoặc thạch cao sẽ giúp cải thiện cấu trúc đất, các phản ứng hóa học sẽ rửa mặn cho đất.

Tăng cường bón phân hữu cơ và kali nhằm làm tăng hàm lượng K+ trong cây để tỷ lệ K/Na cao, từ đó hạn chế sự thu hút Na+ (muối trong đất nhiễm mặn) vào cây, hạn chế cây bị ngộ độc do Na+.

Bón phân lân để cung cấp lân cho cây, hạn chế sự thu hút các ion Cl- quá nhiều trong cây.

Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón loại vôi nung (CaO) để vừa rửa mặn vừa hạ phèn.

Nếu đất bị nhiễm phèn thì không nên bón các loại phân chua như: Super lân, (NH4)2SO4 (phân đạm), phân có chứa Natri và Clo vì sẽ làm cho đất càng chua, tăng độ độc cho cây.

Có thể phun các chế phẩm có chứa các acid amin để tăng tính chống chịu của cây trồng đối với mặn.

Với biện pháp lên liếp hết hợp bón phân hữu cơ, nhà nông nên trồng cây ở hai bên bờ liếp, tưới rãnh và bón phân, thay vì trồng cây giữa liếp, vì đây là nơi tập trung độ mặn trong đất cao nhất, cây sẽ không phát triển được.

Ngoài các biện pháp trên, Tiến sỹ Đặng Duy Minh đề cập đến phương pháp tưới nhỏ giọt rửa mặn cho đất mà vẫn đảm bảo tiết kiệm nguồn nước ngọt. Đây là phương pháp có nguồn gốc từ Israel, với tên gọi "tưới chính xác."

Cây sẽ được tưới nước ngọt liên tục nhưng không dồn dập số lượng lớn như cách tưới thông thường, giúp hạn chế đất bị nhiễm mặn từ nguồn nước bị xâm nhập mặn.

Tuy nhiên, các biện pháp trên phần nào chỉ mang tính cấp bách, tức thời; về lâu dài, cần có các chiến lược nâng cấp hệ thống đê bao chống xâm nhập mặn, các chính sách giảm thiểu tình trạng khai thác quá mức nguồn nước ngầm.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý về nông nghiệp cần định hướng và hỗ trợ nhà nông chuyển đổi giống cây trồng thích ứng được với đất nhiễm mặn.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục