Đề xuất giải pháp để ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam 'cất cánh'

Theo bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, việc tạo điều kiện thành lập Quỹ Hỗ trợ Phát triển Điện ảnh và vận hành thường xuyên, lâu dài sẽ hỗ trợ, nuôi dưỡng các tài năng trẻ.

Bối cảnh một bộ phim quay tại Đà Lạt được giới thiệu tại triển lãm "Đà Lạt-Khơi nguồn cảm hứng điện ảnh.' (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Bối cảnh một bộ phim quay tại Đà Lạt được giới thiệu tại triển lãm "Đà Lạt-Khơi nguồn cảm hứng điện ảnh.' (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Sáng 23/11, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp Điện ảnh Việt Nam” với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý, nhà làm phim trong nước.

Hội thảo thuộc khuôn khổ của Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII diễn ra tại thành phố Đà Lạt. Mục tiêu của hội thảo nhằm thảo luận và trao đổi xoay quanh một số nội dung như: chính sách của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim; hoạt động sản xuất phim trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; việc huy động các nguồn vốn cho điện ảnh; công tác lý luận phê bình điện ảnh gắn kết với công tác khán giả; hoạt động gắn kết giữa điện ảnh và du lịch, hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó các vấn đề về công nghệ, về trường quay, các kiến nghị, đề xuất được trao đổi nhằm gợi mở, xây dựng, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp Điện ảnh Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Theo bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu. Nhưng để tăng sự hiện diện của điện ảnh Việt Nam trên thị trường thế giới thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể như tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà làm phim trong nước tham dự các liên hoan phim quốc tế; tăng cường giới thiệu điện ảnh Việt Nam tại các sự kiện quốc tế; có những đề xuất cụ thể ưu đãi về thuế, tinh gọn thủ tục hành chính và các ưu đãi hỗ trợ nhà làm phim ở các địa phương.

Đặc biệt, việc tạo điều kiện thành lập Quỹ Hỗ trợ Phát triển Điện ảnh và vận hành thường xuyên, lâu dài sẽ hỗ trợ, nuôi dưỡng các tài năng trẻ, từ đó hỗ trợ quá trình sản xuất, phát hành, quảng bá phim ra nước ngoài, tạo "cú huých" cho Điện ảnh Việt Nam "cất cánh."

Bà Ngô Thị Ngọc Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhìn nhận hiện nay, các chính sách khuyến khích về xã hội hóa hoạt động văn hóa đã lỗi thời, luật pháp hiện hành có nhiều thay đổi nên một số quy định thiếu khả thi.

Để đảm bảo thực thi có hiệu quả các chính sách phát triển điện ảnh, bà Oanh kiến nghị với Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Thuế có liên quan theo hướng cụ thể hóa chính sách đầu tư cho văn hóa, trong đó có điện ảnh; kiến nghị với Chính phủ xem xét, ban hành các chính sách mới về khuyến khích xã hội hóa hoạt động văn hóa phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một trong những mục tiêu quan trọng trong “Chiến lược Phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Chính phủ ban hành và Luật Điện ảnh được ban hành tháng 6/2022 là phát triển điện ảnh là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế.

ben trong vo ken vang.png
Cảnh trong phim 'Bên trong vỏ kén vàng'

Đặc biệt, từng bước xây dựng diện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút khách du lịch và tạo vị thế của Điện ảnh Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Trong những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có ít nhiều dấu ấn trên thế giới. Từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã tham gia 148 liên hoan phim quốc tế với 330 đầu phim.

Gần đây nhất, tại Liên hoan phim Cannes 2023, bộ phim “Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân được trao giải Camera Vàng. Đạo diễn gốc Việt Trần Anh Hùng cũng đạt giải Đạo diễn xuất sắc với bộ phim "The Pot-Au-Feu" tại Liên hoan phim danh giá này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục