Đề xuất giá giường bệnh tối đa 4 triệu đồng mỗi ngày ở bệnh viện công

Theo dự thảo, giá giường bệnh tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày, áp dụng cho bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng. Ngoài ra, có các mức từ 1,3- 2,5 triệu đồng/ngày, tuỳ từng bệnh viện.
Khu thanh toán viện phí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 29/7 cho hay, hiện nay đơn vị này đang đang rà soát lần cuối bản dự thảo của Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp.

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành quy định để đảm bảo giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện công đúng với chất lượng cung cấp.

[Tinh giản y tế tuyến huyện: Giảm chi khoảng 910.966 tỷ/năm]

Mặt bằng giá được ban hành có tham khảo các bệnh viện tư và giá quốc tế. Các bệnh viện có thể tự ban hành giá nhưng không được vượt giá trần do Bộ Y tế quy định.

Giá khám dịch vụ không quá 500.000 đồng/lần

Theo dự thảo Bộ Y tế đang xây dựng, giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật) tại các đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập đầu tư xây dựng thành lập hoặc thuê cơ sở để thực hiện dịch vụ, do đơn vị quyết định.

Trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết để hoạt động dịch vụ, bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, tiền công khám bệnh theo yêu cầu không quá 500.000 đồng/lần khám; các cơ sở y tế khác trừ bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, giá không quá 400.000 đồng/lần khám.

Riêng trường hợp mời các chuyên gia trong nước (ngoài cán bộ cơ hữu tại đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu), ngoài nước đến khám tư vấn sức khoẻ, đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.

(Ảnh: PV/Vietnam+)

Với giá giường tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế), các đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập đầu tư xây dựng thành lập hoặc thuê cơ sở để thực hiện dịch vụ, do đơn vị quyết định.

Trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết hoạt động dịch vụ: Giá tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng).

Ngoài ra, có các mức từ 1,3 - 1,5 - 2,5 triệu đồng/ngày, tương ứng với các loại 4 giường - 3 giường - 2 giường/phòng.

Các cơ sở y tế khác tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (trừ bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1) với mức giá ngày giường từ 900.000 đồng tới 3 triệu đồng/ngày.

Các cơ sở y tế khác (trừ bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1) ở các tỉnh còn lại giá ngày giường điều trị nội trú dao động từ 600.000 đồng tới 2 triệu đồng/ngày.

Theo đại diện Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), giá ngày giường điều trị ban ngày do đơn vị quyết định nhưng tối đa không quá 50% giá ngày giường điều trị nội trú. Sau khi có quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, các bệnh viện phải rà soát lại và điều chỉnh đảm bảo đúng quy định. Nếu chưa đáp ứng yêu cầu sẽ phải hoàn thành trước 30/12/2020.

Phòng điều trị theo yêu cầu không quá 4 giường

Để triển khai Thông tư trên, Bộ Y tế cũng đưa ra yêu cầu đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có cung ứng dịch vụ theo yêu cầu.

Cụ thể, cơ sở y tế được quyết định và thu theo mức giá dịch vụ theo yêu cầu khi bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng.

Về dịch vụ khám bệnh, diện tích cho 1 chỗ khám bệnh tối thiểu phải bằng diện tích khám bệnh quy định tại Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN:2012; Có đủ các trang thiết bị để thực hiện khám bệnh theo nội dung chuyên môn (khám đa khoa, khám chuyên khoa); Bảo đảm mỗi bác sỹ, chuyên gia khám, tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 8 giờ.

Cơ sở y tế được quyết định và thu theo mức giá dịch vụ theo yêu cầu khi bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về dịch vụ giường điều trị, một phòng điều trị theo yêu cầu tối đa không quá 4 giường và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng/1 giường theo quy định tại Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN:2012. Trường hợp phòng có từ 2 giường bệnh trở lên thì phải có tấm chắn, che ngăn cách giữa các giường bệnh. Có các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, trang thiết bị y tế, nhân lực y tế phù hợp, đáp ứng việc chăm sóc, điều trị người bệnh.

Cơ sở có thể xây dựng nhiều mức giá giường điều trị khác nhau theo mức độ cung cấp nhân lực chăm sóc, điều trị và điều kiện cơ sở vật chất.

Đối với các dịch vụ kỹ thuật y tế, phải có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phù hợp để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy định.

Ngoài việc các cơ sở có thể xây dựng nhiều mức giá khám khác nhau theo chuyên khoa, thời gian khám bệnh, tư vấn và trình độ chuyên môn của người khám, tư vấn... có thể xây dựng mức giá theo một trong hai cách: Mức giá bao gồm cả chi phí để thực hiện dịch vụ và chi phí mời chuyên gia; Mức giá chỉ bao gồm các chi phí để thực hiện dịch vụ còn các chi phí liên quan đến mời chuyên gia được tính theo từng dịch vụ cụ thể dựa trên thỏa thuận với người sử dụng dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), quy định này cũng yêu cầu lộ trình, bệnh viện nào chưa đạt các yêu cầu về chất lượng phòng bệnh theo yêu cầu. Chẳng hạn như phòng kém chất lượng, ẩm mốc, có rêu... thì phải sửa chữa, nâng cấp trong thời gian từ nay đến hết năm 2020, khi nào đạt tiêu chuẩn mới được thu mức phí theo yêu cầu, nếu không thì giữ nguyên hiện trạng.

Theo dự thảo, người bệnh tham gia bảo hiểm y tế khi sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. Phần chênh lệch do người bệnh tự chi trả cho cơ sở khám, chữa bệnh.

Dự kiến từ ngày 1/10/2019, những quy định này sẽ được thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục