Đề xuất gần 19.800 tỷ đồng đầu tư xây dựng Cầu Cần Thơ 2 vượt Sông Hậu

Dự án Cầu Cần Thơ 2 nếu được đầu tư sẽ góp phần tạo sự kết nối đồng bộ, thuận lợi với các cảng biển chính, khu đô thị lớn, khu công nghiệp, hệ thống logistics… khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Cầu Cần Thơ vượt qua sông Hậu nối liền giữa tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. (Nguồn: TTXVN)
Cầu Cần Thơ vượt qua sông Hậu nối liền giữa tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. (Nguồn: TTXVN)

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về kết quả nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn 2 đầu cầu.

Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Dự án đầu tư xây dựng Cầu Cần Thơ 2 có điểm đầu kết nối với Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ tại nút giao Chà Và, phía tỉnh Vĩnh Long. Điểm cuối kết nối với Dự án Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang-Cà Mau tại nút giao IC2. Tổng chiều dài dự án khoảng 14,65km, trong đó phần đường dẫn vào cầu phía Vĩnh Long dài 8,38km; phần cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75km; phần đường dẫn và cầu phía Cần Thơ dài 3,52km.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất xây dựng cầu Cần Thơ 2 vượt luồng chính sông Hậu có khổ thông thuyền rộng 300m, trong đó luồng chính rộng 160m, cao 39m; luồng hai bên cao 30m; bề rộng mặt cầu đáp ứng quy mô hoàn chỉnh 4 làn xe cơ giới rộng 24,75m; dự kiến nhịp chính bằng kết cấu cầu dây văng, sử dụng riêng cho đường bộ cao tốc.

Trên cơ sở đó, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất nghiên cứu đầu tư theo 2 phương án.

Cụ thể, phương án 1: đường sắt đi riêng, không đi chung với đường bộ, chiều dài nhịp cầu chính 550m. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 19.782 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp và thiết bị là 12.874 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 1.287 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 2.968 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 2.653 tỷ đồng.

Phương án 2: đường sắt đi chung đường bộ, chiều dài nhịp cầu chính 550m. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 27.494 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp và thiết bị là 18.544 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 1.853 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 4.276 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 2.821 tỷ đồng.

Tại báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị lựa chọn phương án 1 để triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cầu Cần Thơ 2 với tổng mức đầu tư 19.782 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến khởi công năm 2026, hoàn thành năm 2029.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 kết nối Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ chính là mảnh ghép lớn cuối cùng trên tuyến Cao tốc Bắc-Nam phía Đông khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long khi kết nối Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang-Cà Mau.

Bên cạnh đó, Dự án còn góp phần tạo sự kết nối đồng bộ, thuận lợi với các cảng biển chính, các khu đô thị lớn, khu công nghiệp, cảng cạn, hệ thống logistics… khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

“Việc nghiên cứu sớm triển khai đầu tư xây dựng Cầu Cần Thơ 2 là rất cấp thiết để đồng bộ với tuyến Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ đã thông xe cuối năm 2023 và Dự án thành phần Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang Cà Mau đang thi công, dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2026,” ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục