Đề xuất dừng cấp bảo lãnh dự án mới từ 2017 để đảm bảo nợ công

Đề xuất dừng cấp bảo lãnh dự án mới từ năm 2017 để đảm bảo nợ công

Tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh tính tới hết năm 2015 đã lên tới hơn 459.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và khoảng 11,1%GDP.
Đề xuất dừng cấp bảo lãnh dự án mới từ năm 2017 để đảm bảo nợ công ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh tính tới hết năm 2015 đã lên tới hơn 459.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công. Trong khi ấy, thực tế, việc trả nợ đúng hạn vẫn là vấn đề đặt ra khi quỹ tích lũy đang phải hỗ trợ ứng cho vay hàng chục triệu USD trong năm qua.

Soi kỹ dự án từ khâu phê duyệt chủ trương

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong giai đoạn năm 2011-2015, cơ quan chưc năng đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình, dự án với tổng số vốn cam kết là 15,6 tỷ USD. Trong số này, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh hầu hết là vay nước ngoài với khoảng 14 tỷ USD với thời hạn trả nợ trung bình 12 năm.

Tổng số tiền bảo lãnh trên theo đánh giá đã tăng gấp 3 lần giai đoạn năm 2007-2010 (giai đoạn trước tổng giá trị bảo lãnh là 5,75 tỷ USD). Điều này theo lãnh đạo Bộ Tài chính cho thấy nhu cầu vay vốn đầu tăng nhanh trong 5 năm qua trong đó năm 2013 là đỉnh của huy động vốn thông qua bảo lãnh Chính phủ với khoảng 4,35 tỷ USD.

Cho rằng, bảo lãnh Chính phủ tiếp tục là kênh hỗ trợ của Chính phủ với các doanh nghiệp vay vốn nhưng theo tính toán của Bộ Tài chính tới cuối năm 2015, tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh lên tới hơn 459.000 tỷ đồng, bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Mức bảo lãnh này chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.

Qua đó, trong vòng 5 năm tới, lãnh đạo Bộ Tài chính đang trình Quốc hội phương án giảm mức rút vốn hàng năm của các dự án vay nước ngoài ở mức 1,5 tỷ USD và trong nước là 5.000 tỷ đồng để kiểm soát nợ công.

Đề xuất trên theo lãnh đạo ngành tài chính nhằm “giảm dần tác động của vốn vay được Chính phủ bảo lãnh lên nợ công, đảm bảo mục tiêu tới năm 2020 dư nợ vay được Chính phủ bảo lãnh có thể ở mức 15,6% tổng dư nợ công và trong khoảng 10% GDP.”

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương trong năm 2016. Từ năm 2017, Bộ Tài chính kiến nghị tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công.

Thêm chế tài với doanh nghiệp thiếu trách nhiệm

Theo báo cáo, việc cấp bảo lãnh giai đoạn qua tập trung vào các chương trình đầu tư đang thực hiện như chương trình phát triển đội bay của Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam, các dự án thuộc Sơ đồ điện VII và dự án đường Hồ Chí Minh.

Riêng trong năm 2014, có 4 dự án nguồn điện (2 dự án nhiệt điện và 2 dự án thủy điện) được cấp bảo lãnh với tổng trị giá gần 2,1 tỷ USD. Trong đó việc cấp bảo lãnh cho 2 dự án nhiệt điện lớn do EVN là chủ đầu tư đã tiếp tục nâng tổng số vốn cam kết bảo lãnh Chính phủ của EVN lên thêm gần 2 tỷ USD và nâng tỷ trọng từ 56,14% tổng số nợ vay của lĩnh vực điện tính đến hết năm 2014 lên 61% tính đến hết năm 2015.

Vấn đề được lãnh đạo chỉ ra với riêng EVN và các tập đoàn, tổng công ty điện lực là các đơn vị này phải tiếp tục xử lý vấn đề lỗ do chênh lệch tỷ giá hàng năm bởi nguồn thu bán điện bằng nội tệ trong khi nhiều khoản vay lớn lại bằng ngoại tệ.

“Trong trường hợp EVN và PVN tiếp tục có các dự án đầu tư cần triển khai với khối lượng huy động vốn lớn trong nước năm tới cần có Chính phủ bảo lãnh, Quốc hội cần xem xét phê duyệt tổng thể việc cấp bảo lãnh cho lĩnh vực này để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia,” báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ.

Với riêng ngành điện, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, chưa có trường hợp nào bị chậm trả nợ nhưng nhận xét chung, báo cáo nêu rõ: “Cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện chính sách, đặc biệt là tính khả thi của chế tài xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm nghĩa vụ, trách nhiệm của người được bảo lãnh.”

Việc tái cơ cấu khoản vay được Chính phủ bảo lãnh tại một số doanh nghiệp như: Xi măng Hạ Long, Xi măng Thái Nguyên, Xi măng Sông Thao, Nhà máy Giấy Phương Nam theo đánh giá là chưa thực hiện rốt ráo dẫn tới chậm trả nợ.

Quỹ tích lũy đã phải hỗ trợ cho những trường hợp trên vay trả nợ trong khi nguồn bố trí cho quỹ ngày càng hạn chế. Tổng nợ quỹ đã ứng trong năm 2015 theo tính toán là 24,19 triệu USD.

Qua đó, lãnh đạo Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hạn chế việc cho vay ứng vốn từ quỹ tích lũy trả nợ nếu doanh nghiệp vẫn có thể huy động từ nguồn khác. Ngoài ra các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện việc thế chấp tài sản theo quy định phải khẩn trương thực hiện trong năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục