Đề xuất đưa nội dung về biên giới, biển đảo vào chương trình học

Có ý kiến cho rằng cần tăng cường giáo dục và đưa vào giảng dạy trong toàn hệ thống giáo dục nội dung về biên giới, hải đảo, tạo kiến thức nền cơ bản cho học sinh về vấn đề này.
Học sinh tìm hiểu về biển đảo Việt Nam. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Tại tọa đàm “Vai trò của thanh niên trong công tác tuyên truyền biển, đảo quê hương,” tổ chức ngày 20/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu cho rằng cần tăng cường giáo dục và đưa vào giảng dạy trong toàn hệ thống giáo dục nội dung về biên giới, hải đảo, tạo kiến thức nền cơ bản cho học sinh về vấn đề này.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Hoàng Ngọc Hà, Vụ trưởng Vụ thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh chủ trương của Đảng, Nhà nước là dùng biện pháp hòa bình để đấu tranh, bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển, đảo; đấu tranh bằng những biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế và Việt Nam. Việt Nam hoan nghênh tất cả các nước đã ủng hộ và góp phần giữ gìn hòa bình ở Biển Đông.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu là các cán bộ Đoàn, Hội có dịp bày tỏ những suy nghĩ, quan điểm của mình về tình yêu biển, đảo quê hương; bằng tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, các bạn trẻ đã nêu lên những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, xây dựng và bảo vệ biển, đảo quê hương.

Bí thư Đoàn trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Trường Sinh cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền cần quan tâm đa dạng các sản phẩm cũng như hình thức tuyên truyền.

Cụ thể, cần có nhiều hơn các đoạn phim tư liệu ngắn gọn, các sản phẩm văn hóa văn nghệ mới về chủ đề biển đảo phục vụ công tác tuyên truyền; tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như thông qua mạng xã hội hay các các hội thi tìm hiểu về biển, đảo... Đặc biệt, cần tổ chức các chương trình giao lưu trực tiếp với những người dân, ngư dân, chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo… Những câu chuyện thực tế dễ đi vào lòng người ấy sẽ hun đúc thêm tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người.

Cũng đề cập đến vấn đề đa dạng hình thức tuyên truyền, Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Thái Hà cho rằng cần giảm tuyên truyền bằng văn bản khô khan, thay vào đó tăng cường tuyên truyền bằng các hình thức như triển lãm, giao lưu văn hóa, văn nghệ chủ đề biển đảo, các cuộc thi, đặc biệt các cuộc thi thuyết trình hướng về biển, đảo. Cùng với đó là tạo môi trường để thanh niên tham gia đồng hành trong các hoạt động thể hiện tình yêu quê hương đất nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tăng cường giao lưu đối thoại để các bạn trẻ nói lên tiếng nói của mình thể hiện tình yêu quê hương đất nước, có những hành động cụ thể tham gia bảo vệ chủ quyền, biển đảo.

Các chuyên gia và các đại biểu thống nhất rằng công tác tuyên truyền biển, đảo quê hương trước hết cần tuyên tuyền để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về chủ trương của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phân tích rõ để người dân hiểu, cùng đoàn kết và có những ứng xử đúng đắn, phù hợp trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên cơ sở hiểu biết pháp luật.

Cùng với đó, cần tuyên truyền bằng nhiều hình thức sinh động, đa dạng các phương pháp phù hợp với từng đối tượng nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề khai thác và phát huy tiềm năng du lịch biển, đảo. Tổ chức Đoàn, Hội tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong, thực hiện nhiều hoạt động hướng về biển, đảo hơn nữa, trong đó tập trung các hoạt động văn hóa văn nghệ, cuộc thi, giao lưu trao đổi để thu hút đông đảo thanh niên tham gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục