Tháng sáu hàng năm được chọn là tháng hành động vì trẻ em, thông điệp của tháng hành động năm nay là “Chấm dứt bạo lực với trẻ em”. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em đang có chiều hướng gia tăng, trong khi đó, đội ngũ lực lượng làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em lại quá ít. Có một thực tế, nơi nào trẻ em không được quan tâm, ở đó nguy cơ trẻ em bị bạo hành, xâm hại cao hơn.
Phóng viên Vietnam+ đã có buổi trao đổi với Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Hải Hữu về tình trạng bạo lực với trẻ em hiện nay.
- Thưa ông, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa đưa ra con số thống kê là 75% trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị trừng phạt bằng bạo lực, ông đánh giá thế nào về con số này?
Ông Nguyễn Hải Hữu: Theo tôi, số liệu của UNICEF không sai nhưng chúng ta phải hiểu đúng về con số này. UNICEF đánh giá 75% trẻ em bị bạo lực là đối với nhóm trẻ em từ 2-14 tuổi, tức là trong vòng 12 năm, số trẻ em này đã từng bị đối xử với hành vi mang tính bạo lực, tức là không phải hành vi diễn ra trong một năm.
Thực tế, một năm ở Việt Nam có 3.000-4.000 vụ xâm hại, bạo lực trẻ em, tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em vẫn còn ở mức rất cao. Hiện nay, Chính phủ và Quốc hội đánh giá đây là vấn đề khá bức xúc. Chúng ta hình dung một năm 3.000-4.000 vụ có nghĩa là mỗi ngày có hàng chục vụ xâm hại, bạo hành trẻ em.
- Theo ông thì nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bạo lực với trẻ em vẫn còn ở mức cao?
Ông Nguyễn Hải Hữu: Theo tôi, quan trọng là các địa phương, bản thân bố mẹ phải nhận thức đúng về vấn đề bạo lực với trẻ em để có ứng xử cho phù hợp. Rất nhiều nơi các ông bố bà mẹ vẫn cho rằng mình có quyền dạy con bằng roi vọt hoặc bạt tai. Thậm chí ngay ở thành phố, có những người khi cho con ăn không được là đánh con. Vấn đề là nhận thức của chúng ta về các hành vi bạo lực với trẻ em chưa đầy đủ, đôi khi do áp lực của công việc hàng ngày, do quá nhiều việc vất vả nên không quan tâm đến vấn đề bạo hành trẻ em.
Mặc khác, khi các vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra, có người người báo cáo nhưng có người không. Những vụ được thống kê được đều là những vụ đã được nhắc nhở, giáo dục ở địa phương hoặc đưa vào hình sự… những vụ không khai báo thì không thống kê hết được.
-Hiện nay, vấn đề xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng khiến xã hội rất bức xúc, xin ông cho biết thêm về vấn đề này?
Ông Nguyễn Hải Hữu: Những năm gần đây, mỗi năm có xấp xỉ 1.000 vụ xâm hại về tình dục trẻ em, tương đương mỗi ngày khoảng có 3 vụ. Đây mới chỉ là con số thống kê được, còn những vụ không khai báo, tự hòa giải thì còn nhiều hơn.
Xâm hại tình dục trẻ em có nhiều cấp độ khác nhau, hiện nay là nhiều gia đình không muốn khai báo về các vụ việc xâm hại, chỉ những vụ điển hình, mang tính chất hãm hiếp, cưỡng bức, hiếp dâm thì mới đưa lên để xử lý. Có những vụ mặc dù theo luật là hành vi xâm hại tình dục nhưng gia đình thấy không tổn hại nên không đặt vấn đề phải kiện cáo.
- Vậy hệ thống pháp lý bảo vệ trẻ em trong các tình huống bị bạo lực, bị xâm hại đã đủ sức răn đe chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Hải Hữu: Hiện nay, hệ thống luật pháp để xử lý về các hành vi xâm hại, bạo lực với trẻ em đã rất nghiêm nhưng vấn đề hiện nay là thực thi luật pháp thế nào, ai là người thực thi luật pháp. Chúng ta có Luật Trẻ em, Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Dân sự đều đề cập đến bảo vệ trẻ em nhưng cái khó hiện nay là thiếu cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em.
Nếu ở các nước, cứ 250-500 trẻ em thì có một nhân viên công tác xã hội thì do hoàn cảnh đất nước còn khó khăn nên cán bộ của Việt Nam phải lo về kinh tế, xã hội chứ chưa bố trí được đủ người chăm lo công tác trẻ em. Một xã hội không bố trí được người chăm lo thì làm sao bảo vệ các em. Trẻ em là đối tượng dễ bị xâm hại nhất nhưng chúng ta lại thiếu người, nếu chúng ta có nguồn lực con người làm công tác này thì sẽ giảm thiểu tình trạng bạo lực với trẻ em.
Các bậc cha mẹ nếu có tiền thuê người chăm sóc, gửi trẻ thì hoàn toàn yên tâm nhưng nếu không có tiền cứ nhốt con ở trong nhà thì sẽ gặp phải nguy cơ cao. Thực tế cho thấy, nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục vùng nào cũng có nhưng chỗ nào cha mẹ, người chăm sóc ít quan tâm đến con cái thường gặp phải nguy cơ cao hơn.
-Như vậy, việc quy định trách nhiệm bố mẹ và gia đình trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em sẽ được thực hiện như thế nào ?
Ông Nguyễn Hải Hữu: Lần này sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chúng tôi sẽ đưa trách nhiệm của cha mẹ trong hành vi xao nhãng trẻ em vào luật. Nếu được Quốc hội thông qua, việc xử phạt hành vi xao nhãng trẻ em sau này sẽ được quy định tại các văn bản dưới luật.
Chẳng hạn như ở nước Anh, nếu bố đưa con về mà không đưa vào tận nhà chỉ đưa đến đầu nhà thả rồi con ở đó, con lại chạy ra bãi cát chơi, cảnh sát đi qua thấy trẻ chơi một mình sẽ hỏi con nhà ai, sau đó đưa về và ghi biên bản phạt 100 USD vì xao nhãng với trẻ em.
Ở Việt Nam, nếu hành vi xao nhãng trẻ em được luật chấp nhận thì sẽ có quy định cụ thể đâu là một hành vi xao nhãng và sẽ có văn bản hướng dẫn dưới luật về xử lý, tình trạng xao nhãng trẻ em sẽ được cải thiện.
-Xin cảm ơn ông!/.
Theo Khảo sát Nhóm Đa chỉ số năm 2011 của Tổng Cục Thống kê với sự hỗ trợ của UNICEF, 73,9% số trẻ em Việt Nam từ 2-14 tuổi bị cha mẹ/người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực.
Có tới 23,7% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết họ phải chứng kiến chồng mình có hành vi bạo lực đối với con cái trong suốt cả cuộc đời . 11% trong số các vụ bạo lực đó là dưới dạng đấm, đá, đánh; 15,7% dưới dạng tát, đẩy ngã hoặc ném đồ vật vào người và 56,6% dưới dạng dọa dẫm hoặc đe dọa./.