Nhằm nghiên cứu, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa và tăng cường nhận thức về đặc trưng văn hóa thành phố Bắc Giang, ngày 16/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Giang tổ chức hội thảo khoa học "Di sản văn hóa - từ Phủ Lạng Thương đến thành phố Bắc Giang."
Tham dự hội thảo có đại diện Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, các nhà khoa học lịch sử đầu ngành cùng lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành, đơn vị chức năng của tỉnh Bắc Giang.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng nên đổi tên thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương. Theo Phó Giáo sư Trương Quốc Bình (Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia), trải qua gần 200 năm, cùng với sự thay đổi của tỉnh Bắc Giang về địa giới hành chính, thị xã tỉnh lỵ có hơn 50 năm mang tên Bắc Giang nhưng cái tên Phủ Lạng Thương đã đi vào tình cảm và tâm thức của nhiều người như những giá trị văn hóa thiêng liêng.
Không chỉ đối với người Việt, địa danh Phủ Lạng Thương vẫn được tạc ghi trong hầu hết các tài liệu văn tự quốc tế trong các lĩnh vực địa lý, địa chất, khảo cổ, dân tộc học, sử học, văn học, hành chính... do các học giả nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học Pháp dày công xây dựng.
Phủ Lạng Thương không chỉ là địa danh lịch sử mà đã trở thành những giá trị, văn hóa đặc hữu, góp phần quan trọng vào việc khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, góp phần tạo lập những sức mạnh vật chất để xây dựng quê hương Bắc Giang trong thời đại mới. Vì vậy, cần ủng hộ những kiến nghị để Nhà nước sớm có quyết định đổi tên thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương.
Theo ông Nguyễn Thế Chính - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, ngày 11/71888, đơn vị hành chính "Phủ Lạng Thương" ra đời. Ngày 10/10/1895, tỉnh Bắc Giang được thành lập, Phủ Lạng Thương trở thành trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Bắc Giang.
Từ Phủ Lạng Thương xưa đến thành phố Bắc Giang ngày nay, bất kỳ ở giai đoạn lịch sử nào, Bắc Giang cũng là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hiến. Mặc dù phải trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, nhiều di sản văn hóa vẫn còn nguyên giá trị và đã được tôn vinh.
Qua 20 tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích bối cảnh lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của đô thị Bắc Giang, các giá trị văn hóa của thành phố; đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị đó trong giai đoạn hiện nay./.