Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ đóng vai trò động lực, đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng thời gian qua việc thực hiện các chính sách thu hút, đào tạo đội ngũ này vẫn còn những hạn chế nhất định, đặt ra yêu cầu trong thời gian tới cần có cơ chế mới, mang tính đột phá hơn nữa.
Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới,” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức sáng 24/2.
Đây là một trong những hội thảo chuyên đề được tổ chức nhằm phục vụ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa 10 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW đánh giá, thời gian qua các chủ trương, chính sách về trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát huy năng lực, cống hiến nhiều cho đất nước thời gian qua đã được thực hiện tốt; cơ chế quản lý, cơ chế đầu tư, cơ chế đào tạo, sử dụng, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức có trình độ cao, được hoàn thiện theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ.
[Đội ngũ trí thức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM]
Tuy nhiên, thực tế cũng chưa có những chính sách đột phá để phát huy được tối đa tiềm năng của đội ngũ trí thức; đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung vào lĩnh vực trọng điểm, khâu then chốt. Chính sách huy động các nguồn lực đầu tư để thu hút đội ngũ trí thức chưa sát với thực tiễn, chưa đủ mạnh, chưa tạo được môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo của trí thức phù hợp với đặc thù lao động của trí thức.
Gợi mở một số định hướng về chính sách thu hút đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho rằng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, bảo đảm việc phát huy năng lực, phẩm chất tốt đẹp đội ngũ trí thức. Đổi mới công tác đánh giá, xét duyệt các chức danh khoa học và các danh hiệu tôn vinh trí thức.
Đặc biệt, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng trí thức có trình độ cao; có chính sách ưu đãi cụ thể về lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt... đối với trí thức làm việc ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách thu hút, tập hợp trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới...; cơ chế, chính sách để động viên và tiếp tục sử dụng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với những trí thức có trình độ cao, năng lực và sức khỏe đã hết tuổi lao động.
Từ những nghiên cứu, đánh giá thực tiễn, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận trong 15 năm qua, đội ngũ tri thức ở nước ta đã tăng nhanh về số lượng, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra về chính sách thu hút, đào tạo đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ.
Cụ thể, ở lĩnh vực khoa học-công nghệ, số lượng cán bộ làm trong lĩnh vực nghiên cứu trên vạn dân còn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt khoảng 15,6 cán bộ nghiên cứu/10.000 dân; nhất là cán bộ có trình độ tiến sỹ còn rất thấp, chỉ gần 30.000 tiến sỹ. Trong khi đó, công tác đào tạo khối ngành khoa học-công nghệ chưa gắn nhiều với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chưa bền vững.
Nhiều năm qua, tỷ lệ sinh viên nhập học khối ngành toán, khoa học-công nghệ thấp và có xu hướng giảm, phân bổ không đồng đều, nhất là ở trình độ sau đại học, điều này dẫn nguy cơ khủng khoảng thiếu-thừa. Cụ thể như số lượng nghiên cứu sinh các nhóm ngành này liên tục giảm trong 3 năm gần đây; ở bậc đại học, số lượng thí sinh nhập học các ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự chỉ đạt hơn 50% chỉ tiêu, cá biệt có một số nhóm ngành khoa học không tuyển sinh được. Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên giỏi muốn làm việc cho khối cơ quan Nhà nước không cao.
Mặt khác, so với các nước trong khu vực, việc đầu tư cho giáo dục đại học ở nước ta còn thấp, tỷ lệ chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học tính trên GDP chỉ đạt 0,25-0,27%, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực là 0,6-1%; đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng ở mức thấp.
“Đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ có đóng góp quan trọng trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời gian qua, việc xây dựng, thực hiện cơ chế chính sách về đội ngũ khoa học, công nghệ vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước, quốc tế thay đổi nhanh chóng như hiện nay, khi xây dựng dự thảo Nghị quyết mới về phát triển đội ngũ trí thức cần cập nhật, đưa vào những vấn mới nhất, quan trọng nhất, phù hợp với thực tiễn. Để qua đó, phát huy tốt nhất vai trò đội ngũ trí thức, vai trò của khoa học - công nghệ đóng góp cho sự phát triển đất nước,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Hải Quân đề xuất.
Thời gian qua, cùng với cơ chế chung của cả nước, một số địa phương cũng có những chính sách riêng trong việc thu hút chuyên gia. Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút trí thức về công tác tại các khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Trung tâm công nghệ sinh học, Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm cả về tiền lương, về điều kiện ăn ở, đi lại… Nhưng đến nay, từ chính sách này mới thu hút được khoảng 20 chuyên gia.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng cần xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách mới theo hướng linh hoạt hơn trong việc thu hút đội ngũ trí thức nói chung, cho lĩnh vực khoa học-công nghệ nói riêng.
“Thời gian tới thành phố sẽ tập hợp, thu hút đội ngũ trí thức trong và ngoài nước thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ một cách linh hoạt; cùng với đó, có chính sách động viên đội ngũ trí thức bằng cơ chế đào tạo, thu nhập tăng thêm, nhà ở và các quyền lợi khách về để bạt, bổ nhiệm, tham gia sâu hơn vào các chương trình của thành phố,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chia sẻ./.