Đề xuất cơ chế đặc thù phát triển sản phẩm chủ lực ở Tây Nguyên

Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nguyên tham mưu Thủ tướng sớm ban hành cơ chế ưu đãi đặc thù phát triển sản phẩm chủ lực.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Quang Huy/TTXVN)

Ngày 26/1, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2015.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các Bộ, ban, ngành của Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên, giáp Tây Nguyên.

Sau khi nghe báo cáo tổng kết công tác năm 2014, chương trình công tác năm 2015 của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các báo cáo của các Bộ ngành, Đại tướng Trần Đại Quang đã phát biểu kết luận Hội nghị, nhất trí với đánh giá tình hình, kết quả các mặt công tác đã đạt được năm 2014 và nhiệm vụ công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.

Đại tướng Trần Đại Quang khẳng định, năm 2014, tình hình quốc tế và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đã đạt được những kết quả quan trọng, chủ quyền quốc gia được giữ vững, chính trị, xã hội ổn định, vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng lên.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ mà trực tiếp là Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu quan trọng; tăng trưởng kinh tế đạt 8,74%; sản xuất công nghiệp tăng 11%; thu hút đầu tư toàn xã hội đạt 65.782 tỷ đồng, tăng 11,53%.

Nhiều doanh nghiệp phục hồi sản xuất và đi vào hoạt động ổn định, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,51 tỷ USD, tăng 49,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 34,9 triệu đồng, tăng 13,6% so với năm 2013.

Chính sách dân tộc và công tác an sinh xã hội đã được quan tâm chỉ đạo, 61.000 người đã được đào tạo nghề, gần 99.000 lao động được giải quyết việc làm.

Công tác giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là việc củng cố cơ sở vật chất, đẩy mạnh đào tạo nhân lực theo địa chỉ, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh tuyến cơ sở, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Công tác xóa đói giảm nghèo đối với các huyện, xã, thôn, buôn nghèo được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho trên 34,6 nghìn hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn vùng xuống còn 10,12%.

Công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được triển khai tích cực, chủ động. Công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới được tăng cường. Hệ thống chính trị cơ sở có chuyển biến tích cực trong việc đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn dân cư; giữ gìn an ninh, trật tự, giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở.

Các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện mục tiêu xóa thôn, buôn “trắng” đảng viên và “trắng” chi bộ đảng, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đại tướng Trần Đại Quang cũng cho rằng, hạ tầng giao thông các tỉnh Tây Nguyên chậm cải thiện, tiến độ thi công đường Hồ Chí Minh còn chậm, tình trạng phá rừng, vi phạm lâm luật, chống người thi hành công vụ vẫn diễn biến phức tạp, có nơi, có lúc nghiêm trọng; tình trạng buôn lậu gỗ trên tuyến biên giới chưa được ngăn chặn.

Hoạt động của các công ty lâm nghiệp còn khó khăn, còn nhiều vấn đề môi trường, xã hội ở một số dự án thủy điện chưa được giải quyết dứt điểm. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi còn gặp khó khăn, tình trạng thiếu đất sản xuất, ổn định cuộc sống của các hộ dân di cư đến ngoài kế hoạch vẫn là những vấn đề cần tập trung giải quyết…

Để góp phần thực hiện mục tiêu của Tây Nguyên và vùng lân cận năm 2015 là giữ vững ổn định chính trị-xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, duy trì tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh giai đoạn 2011-2015, Đại tướng Trần Đại Quang đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù hỗ trợ các địa phương vùng Tây Nguyên phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để huy động các nguồn lực phục vụ kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và vùng lân cận., bảo đảm tiến độ, chất lượng đầu tư nâng cấp sân bay Pleiku (Gia Lai), đường Hồ Chí Minh và các dự án giao thông đã được phê duyệt.

Đại tướng Trần Đại Quang cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên nghiên cứu, đề xuất chủ trương về tổ chức, hoạt động điều phối liên kết vùng, triển khai mô hình thử nghiệm cơ chế, chính sách liên kết vùng đối với một số lĩnh vực, ngành hàng kinh tế cụ thể trên địa bàn Tây Nguyên.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thành lập Quỹ phát triển Cà phê Việt Nam, tổ chức đánh giá công tác chỉ đạo tái canh cà phê để có hướng điều chỉnh và tiếp tục hỗ trợ tín dụng nhằm khuyến khích tái canh; tập trung sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị (khóa XI).

Đại tướng Trần Đại Quang yêu cầu Ban chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục triển khai có hiệu quả Quy hoạch thủy lợi, đề xuất các giải pháp về cấp nước, phòng chống lũ, rà soát tu bổ các hồ chứa, bảo đảm an toàn hồ đập, đôn đốc việc cấp điện cho các buôn làng chưa có điện; tiếp tục giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, ổn định dân di cư, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, chỉ đạo xử lý những bất cập, vướng mắc về giáo dục, đào tạo, việc cử tuyển đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đôn đốc thực hiện dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 (2014-2019), chỉ đạo công tác phát triển hệ thống y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng động, thu hẹp chênh lệch về khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa với các dân cư ở các địa bàn khác; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn…

Đại tướng Trần Đại Quang cũng chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên tập trung bảo đảm tuyệt đối an toàn đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng và những sự kiện trọng đại, những ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2015; tăng cường phối hợp, chỉ đạo công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên.

Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã trích Quỹ An sinh xã hội của Ban để tặng 16.000 phần quà, trị giá 8 tỷ đồng cho các gia đình chính sách ở các tỉnh Tây Nguyên và các các tỉnh giáp Tây Nguyên ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục