Ngày 17/8, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn Quảng Trị, cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ 750 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để đầu tư hoàn thiện tuyến kè bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong chiều dài 14,5km nhằm ứng phó tình trạng sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, nhà nước.
Thạch Hãn là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị. Bờ con sông này có nhiều điểm sạt lở rất nghiêm trọng, nhất là đoạn đi qua địa phận huyện Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Tại huyện Triệu Phong, bờ sông Thạch Hãn sạt lở diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa mưa lũ từ tháng 9-11, tập trung ở các xã Triệu Thượng, Triệu Long, Triệu Giang và Triệu Độ.
Sinh sống bên bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Bích Lộc Triêu, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong nhiều năm qua, ông Nguyễn Hữu Chiến cho biết bờ sông sạt lở nhanh khiến một số hộ dân phải di dời đi nơi khác, đất sản xuất bị cuốn trôi. Nhà ở của người dân và các công trình cách mép sông không xa nên bà con mong muốn chính quyền ngăn chặn hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, đồng thời sớm xây dựng kè chống sạt lở bờ sông.
[Quảng Trị: Sạt lở bờ sông ngày càng trầm trọng trong mùa mưa lũ]
Tương tự, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị đang bị sạt lở nghiêm trọng, thậm chí gây thiệt hại về người. Cụ thể giữa tháng 10/2022, bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng làm một người chết, sập 3 ngôi nhà.
Bờ sông Thạch Hãn sạt lở gần như thẳng đứng, hàng năm sạt lở từ 5-10m lấn sâu vào đất sản xuất và đất ở, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hơn 5.000 hộ dân sinh sống dọc bờ sông này. Ngoài ảnh hưởng đến cuộc sống và đất sản xuất của người dân, tình trạng sạt lở bờ sông Thạch Hãn có nguy cơ ảnh hưởng tới các di tích lịch sử quan trọng như Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, một số địa điểm ghi dấu tích cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972... Nguyên nhân bờ sông sạt lở ngày càng trầm trọng được cho là do chịu tác động của biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường đã làm biến đổi dòng chảy.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, việc xử lý sạt lở, kiên cố hóa bờ sông Thạch Hãn đoạn qua thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong là rất cấp thiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và bảo vệ các di tích lịch sử quan trọng của quốc gia cùng công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực./.