Đề xuất chi hơn 500 tỷ đồng để giảm thiểu lao động trẻ em

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2015-2020 với tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến là 516 tỷ đồng.
Trẻ em lang thang được hỗ trợ học tập. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề xuất mức chi 516 tỷ đồng nhằm xây dựng Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2015-2020.

Tổng kinh phí thực hiện chương trình dự kiến được huy động từ các nguồn vốn: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn viện trợ quốc tế, vốn huy động cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đây là một trong những nội dung chính được đưa ra tại “Hội thảo góp ý Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2015-2020” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 17/10.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, đói nghèo được xem là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và từ đó dẫn đến nguy cơ lao động trẻ em.

Bên cạnh đó, những hạn chế của pháp luật trong việc kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, cũng là một thách thức trong việc giải quyết vấn đề lao động trẻ em.

Trược thực trạng này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2015-2020. Nội dung chương trình tập trung vào truyền thông, vận động nâng cao nhận thức cho toàn xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động trẻ em; hoàn thiện khung luật pháp, chính sách; nâng cao năng lực các cơ quan chức năng; xây dựng mô hình can thiệp trợ giúp trẻ em, gia đình và doanh nghiệp xóa bỏ, giảm thiểu các hình thức lao động trẻ em.

Theo dự thảo, chương trình sẽ được thực hiện trên toàn quốc và ưu tiên các địa phương có số đông lao động trẻ em và khu vực kinh tế phi chính thức, trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, khai khoáng, nghề thủ công truyền thống và giúp việc gia đình.

Bà Cao Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định, về kinh tế, việc giảm thiểu và xóa bỏ lao động trẻ em sẽ giúp tăng thương hiệu và giá trị cho các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt khi các nhà sản xuất gia nhập một số tiêu chuẩn về thương mại công bằng.

Ngoài ra, chương trình cũng giúp thúc đẩy việc làm bền vững cho các gia đình và trẻ em trong tương lai và đảm bảo chất lượng của lực lượng lao động trong tương lai.

Đối với xã hội, chương trình được thực hiện sẽ giúp tăng sự ổn định xã hội thông qua việc giảm nguy cơ trẻ em tham gia các tệ nạn xã hội, đồng thời giúp giảm chi phí các chương trình bảo trợ xã hội trong tương lai khi trẻ em có nghề ổn định và việc làm tạo thu nhập bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục