Theo Chủ tịch quỹ Rockefeller, Rajiv Shah, viện trợ cho các nước đang phát triển chống đói nghèo, bệnh tật và biến đổi khí hậu có thể giảm 50-70% theo đề xuất cắt giảm ngân sách của Mỹ và đây sẽ là thảm họa cho các nước nghèo.
Ông Shah, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) từ năm 2009 đến năm 2015, cho biết nếu 15 quỹ lớn nhất của Mỹ, bao gồm các quỹ như Bill & Melinda Gates Foundation, kết hợp tiền tài trợ của họ cũng chưa bằng mức cắt giảm theo đề xuất của Tổng thống đối với nguồn quỹ của USAID.
Theo ông Shah, viện trợ phát triển là trách nhiệm của lĩnh vực công. Các quỹ từ thiện có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc cứu vãn lòng tin của người dân vào viện trợ phát triển, cũng có thể đầu tư vào các dự án, như điện Mặt Trời ở Ấn Độ, mà triển vọng là lớn nhưng đôi khi cũng rủi ro về tài chính cho các chính phủ cũng như doanh nghiệp trong giai đoạn đầu.
[Tổng thống Mỹ Trump đề xuất cắt giảm viện trợ cho Mỹ Latinh]
Trong giai đoạn hiện nay, các quỹ, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp cần chung tay để giải quyết các vấn đề của toàn cầu.
Khi là người đứng đầu USAID, ông Shah đã dẫn đầu nỗ lực của Mỹ trong viện trợ cho Haiti sau trận động đất năm 2010, và sau đó là ứng phó với dịch Ebola năm 2014 tại Tây Phi. Ông cũng là người phụ trách chương trình Power Africa của chính phủ tiền nhiệm nhằm tăng sự tiếp cận điện cho người nghèo châu Phi.
Đứng đầu quỹ Rockefeller từ tháng Ba, ông muốn dùng kinh nghiệm phong phú của mình để nâng cao sức khỏe, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và tiếp cận năng lượng, đặc biệt là những nước nghèo nhất./.