Đề xuất bổ sung 1.100 tỷ đồng vào quỹ khám chữa bệnh BHYT mỗi năm

Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ Luật bảo hiểm y tế hiện hành đã có những quy định không còn phù hợp thực tiễn nên cần có những sự điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp.

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự thảo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi đề xuất tập trung điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; cân đối quỹ bảo hiểm y tế để bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Thông tin trên được Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế do Bộ Y tế tổ chức chiều 16/4, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2009 là 58% dân số, tới năm 2023 tỷ lệ bao phủ đã đạt 93,35% dân số, tương ứng với 93,307 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chỉ rõ Luật bảo hiểm y tế hiện hành đã có những quy định không còn phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, những thay đổi trong Luật Khám chữa bệnh 2023 đòi hỏi phải đánh giá và sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm y tế để bảo đảm quyền bình đẳng trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân. Bên cạnh đó là những sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật bảo hiểm y tế có liên quan tới việc thay đổi các quy định về tiền lương…

Thời gian qua, Bộ Y tế đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

Screen Shot 2024-04-16 at 23.10.21.png
Các đại biểu chủ trì Hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vì thế, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan, thống nhất hoàn thiện hồ sơ theo hướng tập trung sửa đổi tối đa một số vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách, một số vấn đề đã có đầy đủ thông tin, dữ liệu và đạt được sự đồng thuận cao.

Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế cho biết có 4 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật bảo hiểm y tế sửa đổi.

Thứ nhất, điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.

Thứ hai, điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn.

Thứ ba, điều chỉnh các quy định về bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thứ tư, phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả. Theo đó, dự thảo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm y tế. Phần còn lại 1% bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Như vậy tổng kinh phí được bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo bà Trần Thị Trang, việc tập trung vào những chính sách này nhằm bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp và bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khoẻ, yêu cầu chuyên môn cũng như khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

Việc điều chỉnh chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế để tăng chi trực tiếp cho khám chữa bệnh và cập nhật quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế sẽ bắt tay vào hoàn thiện các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật để ngay từ đầu năm 2025 đồng bộ thi hành cùng một số văn bản khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục