Đề xuất ban hành định mức để xã hội hóa dịch vụ cai nghiện ma túy

Để nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện, hỗ trợ phục hồi cho người nghiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo thông tư ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ cai nghiện.
Chăm sóc y tế cho học viên cai nghiện ma túy. (Nguồn: TTXVN)

Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tình hình sử dụng trái phép ma túy đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Các chất ma túy mới xuất hiện ngày càng nhiều, độc tính rất cao, người sử dụng có thể bị ngộ độc dẫn đến đột tử; có thể bị hoang tưởng, ảo giác dẫn đến tự sát.

Số người sử dụng ma túy tổng hợp hoặc sử dụng nhiều loại ma túy đang tăng mạnh. Theo số liệu thống kê tới tháng 9/2019 thì tổng số người nghiện ma túy đang quản lý tại các cơ sở cai nghiện là 41.869 người. Trong đó, nghiện các chất dạng thuốc phiện chiếm 35,6%, nghiện ma túy tổng hợp (ATS) chiếm 57,8%, nghiện các chất ma túy khác chiếm 6,6%; có 8.164 người bị rối loạn tâm thần, trong đó hoang tưởng 2.107 người, ảo giác 3.545 người, trầm cảm 2.512 người.

[Thêm cơ chế để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy]

Hiện nay, việc cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy tổng hợp khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với người sử dụng ma túy dạng thuốc phiện. Trong khi đó, nhiều cơ sở cai nghiện đã xuống cấp, trang thiết bị nghèo nàn, lại ở nơi xa xôi, hẻo lánh nên khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân rất khó khăn.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, phần lớn cơ sở cai nghiện hiện nay có quy mô nhỏ (50% có công suất tiếp nhận dưới 500 người), nguồn nhân lực không ổn định, tỷ lệ có chuyên môn không phù hợp chiếm tới 63,4%; các chuyên ngành như: Y tế, xã hội học, tâm lý… vừa thiếu về số lượng (chưa được 20%), vừa yếu về năng lực nên chất lượng dịch vụ chưa cao.

Cho đến nay, phương thức quản lý nhà nước đối với các các cơ sở cai nghiện ma túy vẫn thực hiện theo lối truyền thống, cơ chế quản lý tài chính chậm đổi mới. Kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cũng như kinh phí chi thường xuyên đã được tăng cường, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Một số chính sách xã hội hóa đã được ban hành, hàng chục cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập đã cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy thu phí, tuy nhiên dịch vụ còn chưa đầy đủ, chất lượng chưa cao và giá dịch vụ còn nhiều bất cập...

Do đó, để nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện và hỗ trợ phục hồi cho người nghiện ma túy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo thông tư ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật dịch vụ cai nghiện và hỗ trợ phục hồi cho người nghiện ma túy. Dự thảo sẽ đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực các cơ sở cai nghiện ma túy.

Thông tư khuyến khích xã hội hóa và thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ cai nghiện. Nội dung thông tư sẽ hướng dẫn phương pháp xác định định mức kinh tế-kỹ thuật để xác định giá dịch vụ điều trị hội chứng cai, điều trị rối loạn tâm thần và khám bệnh, chữa bệnh khác…

Dự thảo sẽ lấy ý kiến đến hết ngày 28/12./.

Trong giai đoạn 2011-2016, cả nước đã quản lý, cai nghiện bắt buộc cho 189.724 lượt người, trung bình hàng năm đã quản lý, cai nghiện cho khoảng 43.000 lượt người, tương đương trên 20% người nghiện có hồ sơ quản lý. Giai đoạn 2017-2018 trung bình hàng năm quản lý, cai nghiện cho khoảng 25.000 lượt người.

Trong giai đoạn 2010-2015 (từ 2015 đến không còn quản lý sau cai), cả nước đã tổ chức quản lý sau cai cho 58.873 lượt người, trong đó tại nơi cư trú 43.528 lượt người, tại cơ sở quản lý sau cai cho 15.615 lượt người (chiếm 26,5%); tổ chức dạy văn hóa cho 22.989 người, dạy nghề cho 42.570 người, hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho 15.292 người.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục