Đề xuất 4 ưu tiên quốc gia về cải cách kinh tế và phát triển bền vững

Trong giai đoạn mới, Chính phủ cần ưu tiên quốc gia về cải cách kinh tế để có thể giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững và bao trùm.
Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đang giảm, nhất là sau dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tiến sỹ Cấn Văn Lực chỉ ra một số cải cách kinh tế trong giai đoạn mới mà Chính phủ cần ưu tiên để có thể giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững và toàn diện.

Tại Hội nghị “Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform): Kết quả, bài học và định hương tương lai," sáng 15/11, tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đưa ra các ưu tiên cải cách kinh tế, bao gồm tăng năng suất lao động; nâng cao chất lượng thể chế; nâng cao tính độc lập và sức chống chịu; phát triển kinh tế xanh.

Năng suất lao động giảm sau đại dịch

Ông Lực nhấn mạnh năng lực chống chịu của nền kinh tế ở mức trung bình khá, trong khi rủi ro và thách thức là rất lớn. Vì vậy, ưu tiên quốc gia về cải cách kinh tế và phát triển bền vững ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo là hết sức quan trọng.

Trước đó, Chính phủ đã đưa ra một số chiến lược quan trọng thông qua việc ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030“; Chiến lược tăng trưởng xanh 2021-2030; Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và chuẩn bị ban hành Quy hoạch điện VIII. 

[Australia cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách kinh tế]

Song ông Lực cho hay mặc dù quá trình chuyển đổi số trong nền kinh tế đang diễn ra khá nhanh nhưng tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đang giảm, nhất là sau dịch COVID-19. Cụ thể, tăng năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là 4,87% đang thấp hơn nhiều so với mức tăng của Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6%).

“Trong khu vực, năm 2020 - Việt Nam thấp hơn 7 lần so với Malaysia; 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan; 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Hơn nữa, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đang giảm, nhất là sau dịch COVID-19,” ông Lực dẫn chứng.

Cải thiện năng lực cạnh tranh

Sau hơn 35 năm đổi mới, hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, chất lượng dịch vụ công ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, ông Lực thẳng thắn chỉ ra thể chế và hệ thống pháp luật vẫn tồn tại những mâu thuẫn, thiếu nhất quán, thiếu ổn định, chưa đáp ứng kịp theo yêu cầu thực tiễn.

Về điều này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thêm trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, các cơ quan chính sách đã cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thực hiện liên tục, (có những đợt lớn như năm 2016, 2018, 2020 yêu cầu cắt giảm đến 50%, điều kiện kinh doanh, 20% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp).

“Tuy nhiên với đặc thù của hệ thống pháp luật nước ta, để một quy định có thể thực thi trên thực tế, phụ thuộc lớn vào các quy định tại thông tư, thậm chí là công văn. Vì vậy, có hiện tượng mặc dù các văn bản cấp luật, nghị định có tinh thần tiến bộ rất rõ, nhưng khi xuống đến đến thông tư, công văn lại nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc, khiến tính cải cách của chính sách không phát huy trên thực tế,” ông Tuấn chỉ ra vấn đề còn tồn tại.

[Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động]

Do đó, ông Tuấn kiến nghị cần thiết phải minh bạch về quy trình xây dựng thông tư, văn bản đồng thời cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn để ngăn chặn tình trạng công văn ban hành quy phạm pháp luật, nhất là cần có cơ chế để tăng tính trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong xử lý và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp.

Cục Hải quan Đà Nẵng tích cực trong công tác cải cách hành chính đồng bộ. (Ảnh: TTXVN phát)

Bên cạnh đó, ông Lực nhấn mạnh nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng với kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương 184% GDP năm 2021 (xếp thứ 11/174 các quốc gia trên thế giới) và phụ thuộc khá nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu chiếm 65,6% tổng kim ngạch cả nước).

Do đó, ông Lực cho rằng Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Cũng tại hội nghị, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cho biết Australia tiếp tục xây dựng giai đoạn tiếp theo trong các chương trình hỗ trợ của Australia đối với cải cách kinh tế tại Việt Nam.

Trước đó, hai nước đã hợp tác chặt chẽ về cải cách kinh tế ngay sau khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế vào đầu những năm 1990, bao gồm trong các giai đoạn quan trọng như khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bắt đầu tham gia các hiệp định thương mại tự do và gần đây nhất là trong quá trình ứng phó và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

“Chương trình Aus4Reform đánh dấu sự hoàn thành giai đoạn hiện tại. Song, hành trình hợp tác và cải cách kinh tế vẫn tiếp tục. Điều này được củng cố bởi sự tin tưởng được duy trì giữa hai Chính phủ với các mục tiêu chung nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế, tăng dòng vốn đầu tư và củng cố sự thịnh vượng và ổn định của khu vực,” Đại sứ Andrew Goledzinowski nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục