Đề xuất 4 tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp bộ máy

Theo Bộ Nội vụ, các cơ quan, tổ chức phải thực hiện rà soát, đánh giá với tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất theo 4 tiêu chí.
Khu vực giải quyết thủ tục hành chính Trung tâm Hành chính Công thành phố Thủ Đức. (Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết/TTXVN)

Bộ Nội vụ vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo đó, Bộ Nội vụ nêu rõ việc xây dựng và thực hiện chính sách được gắn với trách nhiệm của tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đánh giá, sắp xếp, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với mục tiêu tinh giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Trong dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ dành riêng một điều quy định về tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để thực hiện sắp xếp và giải quyết chính sách, chế độ.

Theo dự thảo, tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 3 năm gần nhất theo 4 tiêu chí.

Tiêu chí đầu tiên đánh giá là về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Tiêu chí thứ hai là đánh giá về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, thời gian, chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ thường xuyên và đột xuất.

Tiêu chí đánh giá thứ ba là về kết quả, sản phẩm công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã đạt được.

Tiêu chí cuối cùng là riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội thì phải bảo đảm tiêu chí đánh giá về đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và có thành tích tiêu biểu, nổi trội, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Về nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ, Bộ Nội vụ quy định từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tâm, khách quan trên cơ sở đánh giá phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; trên cơ sở đó thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế và thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với việc cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý để cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Theo Bộ Nội vụ, nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật; bảo đảm chi trả chính sách, chế độ kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật; sử dụng đúng, hiệu quả ngân sách Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục