Đề xuất 3 danh mục dược liệu phải đăng ký lưu hành ở Việt Nam

3 loại danh mục dược liệu gồm: Danh mục các dược liệu có độc làm thuốc theo quy định tại Thông tư số 42/2017/TT - BYT ngày 13/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục dược liệu độc làm thuốc...
Đề xuất 3 danh mục dược liệu phải đăng ký lưu hành ở Việt Nam ảnh 1Dây chuyền hong, sấy dược liệu của một công ty. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư ban hành Danh mục dược liệu phải đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Trong đó, dự thảo đề xuất 3 danh mục dược liệu phải đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Ba loại danh mục dược liệu gồm: Danh mục các dược liệu có độc làm thuốc theo quy định tại Thông tư số 42/2017/TT - BYT ngày 13/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục dược liệu độc làm thuốc (gồm 54 dược liệu có độc tính nguồn gốc thực vật, động vật và khoáng vật như: Ba đậu, bạch hoa xà, cà độc dược, bọ hung, sâu ban miêu…).

[Atisô- loài thảo dược diệu kỳ cho sức khoẻ và sự trẻ hóa]

Danh mục các dược liệu dễ nhầm lẫn, dễ giả mạo, dược liệu chứa dược chất dễ bị ảnh hưởng về mặt chất lượng trong quá trình sản xuất, chế biến (gồm 40 dược liệu như: Bồ công anh, cát cánh, đảng sâm…).

Danh mục dược liệu nuôi trồng, thu hái trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị và khả năng cung cấp giá hợp lý (12 dược liệu như: Cúc hoa, hòe hoa, sâm Ngọc Linh…).

Theo dự thảo, 4 tiêu chí lựa chọn dược liệu đó là dược liệu đáp ứng một trong các tiêu chí sau xem xét lựa chọn đưa vào Danh mục dược liệu phải đăng ký lưu hành tại Việt Nam gồm: Dược liệu được sử dụng làm thuốc được lựa chọn vào Danh mục dược liệu độc làm thuốc theo quy định; Dược liệu trong quá trình sử dụng có thể gây ra phản ứng có hại nghiêm trọng đã được biết hoặc được Tổ chức Y tế Thế giới, cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài khuyến cáo có thể gây ra phản ứng có hại nghiêm trọng.

Dược liệu có đặc điểm hình thái giống hoặc gần giống với loài dược liệu khác dẫn đến những nhầm lẫn trong quá trình cung ứng, sử dụng dược liệu; Dược liệu có chứa các hoạt chất dễ thay đổi về hàm lượng bằng các biện pháp chế biến, chiết xuất hoặc có giá trị kinh tế cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục