Để Việt Nam không dừng lại ở mục tiêu trở thành “công xưởng thế giới”

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam cần thích ứng với bối cảnh trong nước và quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.
Sản xuất xe du lịch tại nhà máy lắp ráp ôtô Ford Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ngày 28/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban kinh tế Trung ương, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Tăng trưởng mạnh nhưng thành quả còn thấp

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, từ những chủ trương chính sách của Đảng, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước ta đã thu được những một số thành tựu quan trọng.

Công nghiệp là ngành đóng góp ngày càng lớn trong nền kinh tế, quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã đi vào thực chất hơn.

Giai đoạn 2011-2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân; gia tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp trong nền kinh tế từ 26,6% năm 2011 đến 28,5% vào năm 2019. Cơ cấu ngành công nghiệp có sự dịch chuyển ngày càng tích cực; góp phần chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Hải Quân cho rằng, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian qua còn chậm, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được. Từ những nghiên cứu lý luận và thực tiễn, hội thảo sẽ đề xuất về chủ trương, mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Nguyễn Xuân Thắng cho hay, kết quả thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã giúp nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; cơ cấu ngành kinh tế, dân cư và lao động chuyển dịch rõ rệt theo hướng công nghiệp, dịch vụ và đô thị; tạo lập nền tảng vững chắc cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, độc lập, tự chủ, nâng cao tiềm lực và vị thế quốc tế của đất nước.

Tuy nhiên, nếu so với thành tựu của các nước đi trước đã công nghiệp hóa thành công thì những thành quả mà Việt Nam thu được còn thấp; thành quả của công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chưa được phân bổ đồng đều giữa các nhóm người và các khu vực.

“Trong nhiều năm qua, quá trình công nghiệp hóa vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, các ngành sử dụng nhiều vốn và lao động không có kỹ năng. Phần lớn sản xuất công nghiệp là hoạt động gia công lắp ráp, sử dụng phần lớn máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu.

Nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực về môi trường đã diễn ra; quy mô và năng lực công nghiệp quốc gia trên thực tế vẫn còn nhỏ và yếu. Nếu tiếp tục duy trì hiện trạng này, Việt Nam sẽ không tránh khỏi nguy cơ rơi vào bẫy gia công lắp ráp và vướng vào những nấc thang thấp của chuỗi giá trị toàn cầu,” ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

Mặt khác, vị chuyên gia này cho rằng quan điểm và định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam tuy đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển song vẫn đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện.

[Nghị quyết mới về nông nghiệp: Cần xác định các giải pháp đột phá]

Các nghị quyết, chính sách bao hàm nhiều nội dung nhưng thiếu giải pháp khả thi và cụ thể, nhất là trong cân đối, phân bổ các nguồn lực, khiến cho đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn triển khai chậm.

Việt Nam vẫn chưa có được khu công nghiệp, vùng công nghiệp nào thật sự có sức lan tỏa cả nước, ngược lại, tính phân tán, cục bộ theo cấp hành chính có xu hướng tăng lên.

Đổi mới dựa trên công nghệ và sáng tạo

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam cần thích ứng với bối cảnh trong nước và quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.

Lắp ráp điện thoại thông minh tại Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên-Khu công nghiêp Yên Bình (Thái Nguyên). (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Bối cảnh mới cũng đặt Việt Nam đứng trước sự lựa chọn chiến lược hoặc đi tiên phong phát triển một số ngành công nghiệp mới, dựa trên lợi thế quốc gia nếu như không muốn chỉ dừng lại ở mục tiêu trở thành “công xưởng thế giới.”

Mặt khác, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam song hành cùng quá trình đô thị hóa đang tăng tốc và còn nhiều dư địa phát triển. Do đó, cần quy hoạch và phát triển mạng lưới đô thị có sự kết nối đồng bộ về địa bàn, quy mô và chức năng để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đặc biệt, công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa cần trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm.

Chủ thể và nguồn lực thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá chủ yếu là lực lượng doanh nghiệp với nguồn lực to lớn trên thị trường; trong đó, doanh nghiệp trong nước, nguồn lực trong nước đóng vai trò quyết định, doanh nghiệp nước ngoài, nguồn lực ngoài nước đóng vai trò quan trọng.

Các đại biểu cũng cho rằng cần đặt con người vào vị trí trung tâm, xác định rõ nhân dân là đối tượng phục vụ, thụ hưởng đồng thời khẳng định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là sự nghiệp toàn dân.

Cùng với đó, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số quốc gia và đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; xác lập lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra các đột phá phát triển và các cực tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò là nền tảng, động lực quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao là những những nhân tố đột phá chiến lược trong thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới; xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhất là một số cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ...

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò là nền tảng, động lực quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với nguồn nhân lực chất lượng cao là những những nhân tố đột phá chiến lược trong thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới.

Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhất là một số cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để tạo điều kiện để thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong ứng dụng, chuyển giao công nghệ là cần thiết.

Bên cạnh đó, phát huy tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, ý chí tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc). (Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN)

Cách thức Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, tham gia và tận dụng tốt nhất những cơ hội, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh nhưng bền vững, nhằm rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển...

Đây là những vấn đề rất lớn, không chỉ mang đến cơ hội mà có cả thách thức, không chỉ của Việt Nam mà là của toàn cầu. Do đó, phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đặt ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, đột phá, mang tính bao trùm, tổng thể và có tính thực thi cao phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.

Theo Trưởng Ban kinh tế Trung ương, yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh ngày càng cao, đòi hỏi cần phải chuyển đổi tư duy phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài sang chủ động phát triển nội lực, đẩy mạnh sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao.

Đồng thời, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu thông qua đẩy mạnh học tập, cải tiến, làm chủ về công nghệ nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số, công nghệ vật liệu cơ bản; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài ra, cũng cần ưu tiên phát triển lực lượng doanh nghiệp công nghiệp trong nước lớn mạnh, đổi mới thu hút FDI theo hướng có chọn lọc, chất lượng cao và bảo đảm yêu cầu về liên kết với doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, chú trọng khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh về xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục