Để vắcxin phòng ngừa COVID-19 không phải là 'muối bỏ bể'

Phần lớn các quốc gia châu Á vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng cho cộng đồng, chủ yếu là do khả năng sản xuất vắcxin hạn chế, những thách thức về hậu cần và chậm trễ trong quy định.
Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 3/3/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin trong vòng chưa đầy 1 năm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) là đại dịch, đến nay đã có 10 loại vắcxin khác nhau được chấp thuận sử dụng ở các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, vắcxin chỉ có hiệu quả nếu mọi người đều được tiêm phòng - và sự tiến bộ trên mặt trận này không hề đồng đều.

Trong khi nhiều quốc gia giàu có ở Bắc bán cầu có thể sẽ thực hiện được việc tiêm chủng rộng rãi vào cuối năm 2021 thì các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp có thể không được tiếp cận vắcxin rộng rãi cho đến năm 2024.

Tình trạng không được tiếp cận với vắcxin sẽ tồn tại ở hầu hết các nước châu Á.

Phần lớn các quốc gia châu Á vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng cho cộng đồng, chủ yếu là do khả năng sản xuất vắcxin hạn chế, những thách thức về hậu cần và chậm trễ trong quy định.

[Bắt đầu tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắcxin COVIVAC]

Trái ngược với những phản ứng ban đầu mạnh mẽ của nhiều quốc gia châu Á trong đại dịch COVID-19, việc chậm triển khai các chương trình tiêm chủng có nguy cơ làm mất đi những thành công ban đầu.

Hiện có nhiều nỗ lực để cải thiện khả năng tiếp cận vắcxin COVID-19 trên toàn châu Á, và hai trong số đó đang nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Đầu tiên là COVAX, một dự án hợp tác chung giữa WHO, Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh vắcxin (GAVI).

Mục tiêu của tổ chức này là phát triển, mua và phân phối vắcxin COVID-19 để cung cấp khả năng tiếp cận công bằng hơn, với mục tiêu tiêm chủng cho 1,8 tỷ người (hoặc 20% dân số ở các nước có thu nhập thấp trong mục tiêu) vào cuối năm 2021.

Theo theo kế hoạch này, các quốc gia Đông Nam Á sẽ nhận được 695 triệu liều vắcxin vào cuối năm nay, tương đương khoảng một nửa dân số trong khu vực.

COVAX đại diện cho sự hợp tác toàn cầu nhằm chống lại chủ nghĩa dân tộc trong tiến trình phân phối vắcxin và mở rộng khả năng cung cấp vắcxin.

Chừng nào nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận vắcxin COVID-19, đại dịch sẽ tiếp tục đe dọa toàn cầu.

Gần như mọi quốc gia trên thế giới đều đã ký vào kế hoạch của COVAX, giúp thúc đẩy mạnh mẽ tính hợp pháp của dự án này và củng cố sự phụ thuộc lẫn nhau vốn có trong việc chống lại đại dịch toàn cầu.

Bất chấp sự lạc quan này, COVAX đang đối mặt với ba thách thức nghiêm trọng có thể hạn chế hiệu quả của nó đối với các quốc gia châu Á.

Thứ nhất, nó thiếu nguồn tài chính. Mặc dù đã huy động được 6 tỷ USD cho đến nay, nhưng các nhà lãnh đạo của COVAX ước tính rằng nó sẽ cần thêm ít nhất 2 tỷ USD nữa để đạt được các mục tiêu của mình. Thông báo gần đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden về khoản đóng góp 4 tỷ USD cho COVAX sẽ tạo ra một sự thúc đẩy đáng kể.

Thứ hai, sáng kiến này cần phải vượt qua những rào cản nghiêm trọng về hậu cần - vận chuyển các liều vắcxin nhanh chóng, đảm bảo duy trì các yêu cầu về bảo quản lạnh, đào tạo đủ nhân viên y tế để quản lý vắcxin và thực hiện các chiến dịch thông tin đại chúng.

Cuối cùng, một số quốc gia giàu có đang đàm phán các thỏa thuận của riêng họ với các nhà sản xuất vắcxin, đề xuất trả tiền cao hơn để không phải “xếp hàng chờ đợi.”

Bằng cách đó, họ phá vỡ COVAX và tăng thời gian mà các quốc gia khác sẽ phải chờ đợi có được liều lượng vắcxin của họ.

Nỗ lực thứ hai là ngoại giao vắcxin, cụ thể là các nỗ lực do chính phủ Ấn Độ và Trung Quốc thực hiện.

Ngoại giao vắcxin đề cập đến việc các chính phủ cung cấp cho các quốc gia khác khả năng tiếp cận vắcxin như một phần của chiến lược xây dựng thiện chí quốc tế.

Ấn Độ, nơi có 60% năng lực sản xuất vắcxin trên thế giới và Trung Quốc, nước đã phát triển ít nhất 2 loại vắcxin COVID-19, đều đã sẵn sàng cung cấp vắcxin cho các nước láng giềng châu Á và đã thực hiện các chương trình phân phối tích cực.

Điều này trái ngược với việc Mỹ và các quốc gia giàu có khác mua dự trữ vắcxin hiện có và là một phần trong nỗ lực phối hợp của cả hai quốc gia nhằm xây dựng liên minh với các đối tác trong khu vực.

Ấn Độ đang cấp miễn phí vắcxin COVID-19 cho Nepal, Bangladesh và Sri Lanka - cả 3 quốc gia này đều có quan hệ căng thẳng với chính phủ Ấn Độ trong những năm gần đây.

Trung Quốc đang cung cấp miễn phí vắcxin của mình ở Sri Lanka, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác như một phần của Sáng kiến Con đường Tơ lụa Y tế.

Lợi thế rõ ràng đối với các quốc gia châu Á từ những nỗ lực ngoại giao vắcxin này là họ cho phép nhiều người hơn - chủ yếu là những người đã phải đợi nhiều năm - được tiếp cận với vắcxin.

Điều này sẽ duy trì những nỗ lực thành công mà nhiều quốc gia trong số này đã thực hiện để hạn chế sự lây lan của COVID-19.

Tuy nhiên, thách thức chính là làm thế nào để các quốc gia tiếp nhận vắcxin điều hướng những căng thẳng địa chính trị vốn giúp thúc đẩy chính sách ngoại giao vắcxin của Ấn Độ và Trung Quốc.

Cả hai nước đã tìm cách sử dụng vắcxin để tăng cường sự ủng hộ với các đối tác trong khu vực, xây dựng lại quan hệ ngoại giao đã rạn nứt và chống lại các động thái ngoại giao của bên kia.

Điều này có thể có những tác động sâu rộng đến chính sách đối ngoại đối với các quốc gia tiếp nhận vắcxin, đặc biệt nếu Trung Quốc và Ấn Độ đưa ra những “hứa hẹn hão và không thực hiện đủ.” 

Thách thức khác bắt nguồn từ chính trong nước của Ấn Độ và Trung Quốc.

Cả hai quốc gia đều đang cung cấp vắcxin cho các quốc gia khác vào thời điểm khi các chiến dịch tiêm chủng nội bộ của họ ở trạng thái “sơ khai”. Bởi các quốc gia châu Á phần lớn đã thực hiện tốt công việc kiểm soát COVID-19, họ có thể không phải đối mặt với những sức ép trước mắt tương tự để mở các chiến dịch tiêm chủng rộng rãi.

Tuy nhiên, thực tế đó không thể che giấu những bất bình đẳng rõ ràng xung quanh việc tiếp cận với vắcxin COVID-19 và sự cần thiết phải vượt qua những bất bình đẳng đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục