Không gây được niềm tin đối với người tiêu dùng, lách luật để trốn thuế, bôi nhọ nặc danh… là những bài toán nan giải với ngành thương mại điện tử. Bởi thế cho nên, ngành này vẫn còn được xem là “tiềm năng” cho dù đã hiện diện ở Việt Nam từ rất lâu.
Văn bản quản lý nhà nước đã có, nhưng làm thế nào để thương mại điện tử Việt Nam cất cánh đúng đường băng?
Quyết liệt dọn “rác”
Báo cáo thực trạng phát triển thương mại điện tử Việt Nam 2013 do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ Thông tin (VECITA-Bộ Công Thương) đưa ra cho thấy, trong số hơn 31 triệu người truy cập Internet ở Việt Nam có hơn 1/2 là thực hiện mua sắm online. Tuy nhiên, giá trị mua hàng trực tuyến một năm của Việt Nam khá thấp, ước tính quy mô thị trường hiện chỉ khoảng 2,2 tỷ USD.
Rõ ràng, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì rất cần sự mạnh tay của cơ quan chức năng.
Ông Trần Nhật Linh, Giám đốc kênh bán hàng Online của Thegioididong.com kiến nghị, cơ quan nhà nước cần phải mạnh tay với sự lừa dối, giả mạo trong thương mại điện tử.
Theo ông Linh, do ngành này còn sơ khai, nên rất cần niềm tin của khách hàng để phát triển. Do đó, nếu trong giai đoạn đầu mà thương mại điện tử đã không tốt, dễ dẫn đến tình trạng người dùng không tin tưởng và nghĩ thương mại điện tử là mua bán gian dối thì sẽ rất nguy hiểm.
“Cần phải thường xuyên ‘dọn dẹp’ các đơn vị làm ăn dối trá, trốn thuế… Sau đó truyền thông mạnh mẽ các doanh nghiệp trên các lĩnh vực khác nhau có uy tín để khách hàng lựa chọn tốt cho mình khi mua sản phẩm,” ông Linh nói.
Ông Nguyễn Hòa Bình trên cương vị là Tổng Giám đốc Peacesoft thì đưa ra ví dụ ở một nước lân cận Việt Nam có “đội quân” theo dõi thông tin và ra quy định nếu tung tin đồn vô căn cứ sẽ bị phạt rất nặng. Và, Việt Nam cần phải học tập theo mô hình này.
“Nhà nước cần xử lý nghiêm những đơn vị làm ăn lừa đảo và có chính sách cho những đơn vị làm thương mại điện tử chính thống,” ông Bình kiến nghị.
Ở một khía cạnh khác, đại diện của siêu thị điện máy HC, ông Trần Anh Tú cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cần phải truyền thông thật tốt và giải quyết ngay lập tức khiếu nại của khách hàng. Khi gặp những vấn đề lớn, cần phải nhờ cơ quan chức năng giải quyết bởi lực lượng này cũng không phải “ba đầu sáu tay.”
Đồng tình, ông Bình nhận định, những mặt trái của thương mại điện tử là rất khó để ngăn chặn. Bởi thế, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân lựa chọn những doanh nghiệp tốt, tránh xa doanh nghiệp xấu và không quay lưng với công cụ tiện dụng này.
Có kênh “tố” gian dối
Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho hay, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52, ghi rõ quyền và trách nhiệm cụ thể của các nhóm tham gia thương mại điện tử, đặc biệt là trách nhiệm cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ để người tiêu dùng đưa ra các quyết định mua hàng hóa hay dịch vụ.
Cũng theo người đứng đầu Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Nghị định 52 cũng quy định danh sách những website thương mại điện tử khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng tại địa chỉ online.gov.vn.
Ông Linh cũng cho rằng, việc khai báo phản ánh còn phải qua quy trình tiếp nhận, xác minh ý kiến phản ánh của bên khách hàng cũng như có sự giải trình thỏa đáng của bên sở hữu website thương mại điện tử nên sẽ hạn chế tối đa việc “chơi xấu” lẫn nhau, cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài ra, các chuyên gia thương mại điện tử cũng khuyến cáo người dùng khi mua hàng cần phải lựa chọn giao dịch ở những website chính thống, có hình thức thanh toán an toàn (qua trung gian đã được Nhà nước cấp phép) hoặc qua các wesbite được chứng nhận bảo đảm như Ngân lượng đảm bảo (thuộc PeaceSoft), SafeWeb (Hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch thương mại điện tử của Hiệp Hội thương mại điện tử và Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin)…
Về vấn đề thất thu thuế,Vũ Quang Tiến, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết sẽ rà soát loại hình kinh doanh thương mại điện tử để có phương pháp quản lý thuế hiệu quả nhưng chính ông cũng không giấu rằng "đây vẫn là đề tài khó."
Tuy vậy, ông Tiến cho biết, khi đã xác định được rủi ro ở các doanh nghiệp thì sắp tới việc tăng cường thanh kiểm tra sẽ là hành động mà ngành thuế hướng tới.
"Nếu chúng ta tập trung thanh kiểm tra hoạt động thương mại điện tử chắc chắn sẽ góp phần tăng thu ngân sách. Từ nay đến năm 2015, Bộ Tài chính cũng khẳng định kinh doanh qua mạng là đối tượng trọng tâm," đại diện Tổng cục Thuế cho biết.
Song, một vấn đề khác mà ông Tiến đề đặt ra là trong khi thương mại điện tử đang phát triển quá nhanh thì ngành thuế, vốn đã thiếu lực lượng để kiểm soát những giao dịch truyền thống, lại càng khó khăn hơn nữa với loại hình kinh doanh mới.
Bởi vậy, theo ông Tiến, việc tổ chức lực lượng chuyên trách về thương mại điện tử với ngoài nghiệp vụ chuyên môn còn phải nắm chắc tin học, tiếng Anh là vấn đề đang đặt ra với ngành thuế.
Ông Tiến cũng nói, do Việt Nam là nước đi sau trong việc quản lý những vấn đề trên nên “sẽ cố gắng học tập.” Trong đó một trong những biện pháp ngành thuế hướng tới là mời các chuyên gia quốc tế hay có thêm những chương trình hợp tác với ngành thuế các nước để học hỏi thêm kinh nghiệm quản lý.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế đề xuất cần có cơ chế kết hợp giữa Tổng cục Thuế với đại diện của những mạng xã hội lớn như Google, Facebook. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý nhận diện được các đối tượng thường xuyên bán hàng. Đây sẽ là bằng chứng để buộc chủ nhân của cửa hàng online tự phát phải đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế.
Rõ ràng, để thương mại điện tử Việt Nam cất cánh sẽ phải đi qua một con đường đầy gập ghềnh và khó khăn. Song, sẽ chỉ có sự quyết tâm, vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống pháp luật, các doanh nghiệp thì “cỗ máy” thương mại điện tử mới đúng đường băng, vận hành một cách bền vững và mang lại giá trị thực sự cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu cho nhà nước.
Và, cho dù luật pháp thường đi sau thực tế, nhưng thương mại điện tử trên thế giới đã có từ rất lâu và Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi theo một số mô hình phù hợp, qua đó xây dựng cơ chế chính sách “đón đầu” ở thị trường trong nước./.