Để thương hiệu càphê xứ lạnh của tỉnh Kon Tum được vươn xa

Càphê xứ lạnh đang được tỉnh Kon Tum hướng đến xây dựng thương hiệu, trở thành mặt hàng nông sản chủ lực tại vùng trồng và đặc sản của địa phương.
Nông dân tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông thu hoạch càphê Arabica. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Được triển khai trồng tại ba huyện Đăk Glei, Kon Plông và Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum từ năm 2013 theo Đề án càphê xứ lạnh (càphê dòng Arabica), đến nay các địa phương này đã trồng được gần 4.500ha trong tổng số gần 27.000ha càphê toàn tỉnh.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, diện tích càphê Arabica trên địa bàn phát triển tốt, sản lượng và năng suất ổn định, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn.

Càphê xứ lạnh đang được tỉnh Kon Tum hướng đến xây dựng thương hiệu, trở thành mặt hàng nông sản chủ lực tại vùng trồng và đặc sản của địa phương.

Giá trị kinh tế cao

Kon Plông là vùng trồng càphê xứ lạnh trọng điểm của tỉnh Kon Tum với lợi thế địa hình cao, nhiệt độ quanh năm luôn ở mức thấp, nhất là khu vực thị trấn Măng Đen và vùng lân cận. Đến nay, toàn huyện có trên 1.020ha càphê Arabica; trong đó, có hơn 400ha thuộc Đề án càphê xứ lạnh của tỉnh.

Diện tích càphê thuộc Đề án được giao cho các hộ gia đình là người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. Mục tiêu nhằm giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, biết cách trồng, chăm sóc càphê, đặc biệt tạo nguồn thu nhập ổn định và tham gia thoát nghèo.

[Tái sinh cho Mẹ Đất từ dự án càphê ở Tây Nguyên]

Anh A Hùng, dân tộc Mơ Nâm, trú thôn Vơng Kia, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết năm 2014, gia đình có 0,2ha đất đang trồng sắn, mỗi năm thu hoạch chỉ từ 3-4 triệu đồng và luôn thuộc đối tượng hộ nghèo.

Được sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, anh đã tham gia Đề án càphê xứ lạnh trên diện tích đất trồng sắn trước đó. Đến năm 2016, càphê bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên. Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm thu về từ 18 đến trên 20 triệu đồng.

Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn anh hái quả chín để nâng cao giá trị và bán được giá cao hơn từ 500-1.000 đồng/kg so với hái đại trà. Nhờ tham gia Đề án, năm 2017, gia đình anh đã thoát nghèo. Số tiền thu được từ bán càphê, anh đã mua sắm được nhiều trang thiết bị phục vụ sinh hoạt trong gia đình, phần còn lại mua sắm vật tư, phân bón, tái sản xuất và mở rộng thêm 0,1ha đất để trồng càphê, A Hùng chia sẻ.

Ngoài những hộ dân tham gia Đề án càphê xứ lạnh của tỉnh Kon Tum, nhiều hộ dân cũng chủ động canh tác loại càphê này vì phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng.

Bà Đào Thị Hương, ở thị trấn Măng Đen, chia sẻ gia đình bà trồng 1ha càphê Arabica từ năm 2017 theo phương thức hoàn toàn hữu cơ, không sử dụng hóa chất.

Gia đình bà giữ nguyên cỏ mọc trải thảm bên dưới để tránh xói mòn, giữ lại chất dinh dưỡng trong đất; đồng thời, chăn thả bò trong vườn để lấy phân bón cây.

Nhờ quy trình trồng hoàn toàn khép kín, sản phẩm luôn đạt trên 80% quả chín trở lên và được các đơn vị tại tỉnh Đắk Lắk thu mua, xuất khẩu ra thị trường ngoài nước.

Với giá thu mua hiện tại là 23.000 đồng/kg quả tươi thì hơn 3ha càphê đang thu hoạch sẽ mang về cho gia đình trên 500 triệu đồng, trừ hết chi phí vẫn còn khoảng 400 triệu đồng.

Càphê xứ lạnh dễ trồng, dễ chăm sóc nên gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để nâng cao giá trị kinh tế, bà Hương cho biết thêm.

Xây dựng thương hiệu

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kon Tum, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh trồng được gần 4.500ha càphê xứ lạnh Arabica; trong đó, huyện Đăk Glei trồng được 1.674ha, huyện Tu Mơ Rông 1.802ha và huyện Kon Plông trên 1.020ha.

Càphê Arabica đạt tiêu chuẩn khi thu hoạch phải có số lượng quả chín từ 80% trở lên. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Các giống càphê Arabica được trồng chủ yếu tại Kon Tum là Catimor và các giống mới như TN1, TN2, THA1.

Dù diện tích trồng ít, song càphê xứ lạnh được trồng tại huyện Kon Plông cho năng suất cao hơn hai địa phương, đạt trung bình 13,8 tạ nhân khô/ha.

Ông Đoàn Năng Rường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, cho biết cây càphê Arabica trên địa bàn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum cũng quyết định ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận càphê xứ lạnh Kon Tum vào năm 2020. Đây là cơ sở để ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu Càphê xứ lạnh Kon Tum.

Chất lượng càphê Arabica được người tiêu dùng đánh giá cao hơn cà phê Robusta vì có hương vị thơm ngon và chứa ít hàm lượng caffein hơn.

Đặc biệt, theo phân tích mới đây của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời, càphê Arabica của tỉnh Kon Tum có hàm lượng caffeine chỉ bằng 50% so với càphê Robusta, rất phù hợp với khẩu vị của đa số người dân tại châu Âu. Vì vậy, giá của loại càphê này cũng được mua cao hơn, mang đến nguồn thu nhập tốt hơn cho người trồng - ông Rường cho hay.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đối với việc phát triển thương hiệu càphê xứ lạnh của tỉnh Kon Tum hiện nay là quy trình thu hái không đảm bảo.

Theo ông Trương Ngọc Tuyền, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, để càphê Arabica có chất lượng tốt nhất, quá trình thu hái phải đạt tỷ lệ quả chín trên 80%.

Song do tập quán canh tác và không nắm rõ kỹ thuật, đa số nông dân trên địa bàn vẫn thu hoạch theo phương thức đại trà, tỷ lệ quả chín chỉ đạt từ 40-50%.

Với phương thức thu hoạch này, mỗi kg càphê tươi chỉ được mua với giá từ 6.000-6.400 đồng, trong khi càphê đạt tỷ lệ quả chín trên 80% được thu mua với giá khoảng 12.000 đồng/kg.

Thậm chí, một số diện tích càphê trồng theo phương pháp hữu cơ, phục vụ cho thị trường xuất khẩu, có tỷ lệ quả chín trên 90% còn được mua với giá 23.000 đồng/kg - gấp gần 4 lần so với càphê được thu hoạch theo phương thức đại trà.

“Việc người dân thu hoạch không đúng phương thức không chỉ khiến giá thành thu mua giảm sút mà lâu dài việc xây dựng thương hiệu càphê xứ lạnh của huyện Kon Plông nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung gặp khó khăn do chất lượng càphê không đảm bảo,” ông Trương Ngọc Tuyền phân tích.

Trong khi đó, ông Đoàn Năng Rường khẳng định để nâng cao năng suất, chất lượng và thương hiệu càphê xứ lạnh tại Kon Tum, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt quy trình sản xuất nhằm tăng năng suất càphê xứ lạnh; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Đồng thời, triển khai xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu càphê xứ lạnh trên cơ sở truy xuất nguồn gốc; thu hoạch đúng kỹ thuật, độ chín; hình thành các vùng sản xuất càphê xứ lạnh tập trung, quy mô đủ lớn để làm cơ sở xây dựng chuỗi liên kết giá trị; từng bước nâng cao giá trị hạt càphê Arabica, đưa thương hiệu “càphê xứ lạnh Kon Tum” ngày càng vươn xa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục