Đề thi vào lớp 10: Quan điểm 'trên thông thiên văn, dưới tường địa lý'

"Chúng tôi muốn dạy con em mình có kiến thức đủ vững để ra đời lập, thân lập nghiệp, sánh vai các cường quốc,” phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Đại nói.
Đề thi vào lớp 10: Quan điểm 'trên thông thiên văn, dưới tường địa lý' ảnh 1Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại. (Ảnh: hanoi.edu)

“Chúng tôi vừa là nhà giáo dục, vừa là nhà khoa học, vừa là thầy giáo trực tiếp đứng lớp, nên tất cả chúng tôi làm việc với tư cách người thầy giáo, nhằm đem lại cái gì lợi ích nhất cho học sinh. Chúng tôi muốn dạy con em mình có kiến thức đủ vững để ra đời lập, thân lập nghiệp, sánh vai các cường quốc.”

Đó là chia sẻ của Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại trước những băn khoăn, lo lắng của học sinh, phụ huynh và giáo viên về phương án thi tuyển sinh mới vào lớp 10, áp dụng từ năm học 2019-2020, vừa được Sở công bố. Theo đó, học sinh sẽ phải thi ba bài thi với 6 môn thi thay vì chỉ hai môn Văn và Toán như hiện nay.

[Hà Nội tuyển sinh lớp 10: Học sinh sẽ phải luyện thi 9 môn?]

Theo ông Đại, với mong mỏi đó, lãnh đạo Sở đã phải suy nghĩ, tìm tòi để tìm ra phương án tuyển sinh mới.

"Ai cũng muốn êm ả..."

“Ai cũng muốn êm ả, nhưng đã đổi mới là phải chấp nhận có nhiều luồng ý kiến, nên chúng tôi cũng phải suy nghĩ cẩn thận,” ông Đại trải lòng.

Lý giải về tham vọng giúp học sinh học toàn diện với kỳ thi được mở rộng số môn, ông Đại cho biết, về lý thuyết, quan điểm giáo dục toàn diện đã được các thế hệ cha ông đưa ra từ rất lâu khi yêu cầu người học “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, vừa hiểu khoa học vũ trụ, vừa hiểu đất nước, con người, tự nhiên, xã hội, tất cả các mặt.

Trong Nghị quyết 29 của Đảng cũng nêu rõ phải đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam mà khâu đột phá là đổi mới thi cử. Mục tiêu giáo dục của Việt Nam là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, hài hòa, giữ gìn bản sắc dân tộc nhưng vẫn hội nhập quốc tế.

Cũng theo ông Đại, về thực tiễn, việc thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội thực hiện từ năm học 2005-2006 đến nay tuy có nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhiều nhược điểm. “Chúng ta thấy trong thực tiễn phát triển, cái gì lâu quá không thay đổi thì trở thành trì trệ, nên buộc phải thay đổi để thúc đẩy học sinh, nhà trường, thầy cô giáo cùng nhau có sự đổi mới trong giảng dạy và học tập,” ông Đại nói.

Đề thi vào lớp 10: Quan điểm 'trên thông thiên văn, dưới tường địa lý' ảnh 2(Ảnh minh họa: TTXVN)

"Không ra ngoài chương trình một chữ"

“Chúng tôi trăn trở là bây giờ đổi mới như thế nào? Nếu chỉ thi các môn Văn, Toán và Ngoại ngữ thì con em chúng ta có hiểu về tự nhiên không, có hiểu đất nước Việt Nam không? Có câu chuyện thực tiễn là khi tôi dự hội thảo ở nước ngoài, tôi có gặp một học viên Việt Nam tốt nghiệp đại học đang học thạc sỹ, là hướng dẫn viên. Nhìn một con sông rất đẹp, tôi hỏi em có biết phân biệt sông với suối không, em không biết. Tôi hỏi em hồ với ao khác nhau thế nào, em cũng không biết. Tôi hỏi em tỉnh Bình Dương ở phía Bắc hay phía Nam, em trả lời ‘hình như ở phía Bắc’. Đó là thực tiễn. Nếu các em không hiểu địa lý Việt Nam, không hiểu lịch sử Việt Nam thì làm sao có thể giữ vững bản sắc dân tộc, làm sao đưa đất nước phát triển?” ông Đại chia sẻ.

[Thi vào lớp 10: Bỏ cộng điểm khuyến khích các giải thi cấp tỉnh]

Theo vị phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trước khi đưa ra phương án thi này, Hà Nội đã nghiên cứu, học hỏi, chắt lọc kỳ thi vào lớp của các địa phương. Sở cũng đã lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà trường, các thầy giáo cô giáo. Phương án thi đã được Sở đưa ra bàn từ nhiều năm và đã có trên 700 phiếu thăm dò ý kiến. 

Trước băn khoăn của phụ huynh về việc thay đổi số môn thi thì học sinh có học nặng hơn không, ông Đại cho rằng nội dung thi hoàn toàn nằm trong chương trình bậc trung học cơ sở và học sinh chỉ cần học chăm chỉ là có thể làm tốt bài thi.

“Tinh thần của ban giám đốc là đề thi không ra ngoài chương trình một chữ nào. Chúng tôi cũng đã công bố trước một năm để học sinh và các thầy cô giáo, các nhà trường thay đổi cách dạy và học, có sự chủ động chuẩn bị trong kế hoạch học tập. Chúng tôi rất mong người dân Thủ đô hiểu và giúp đỡ ngành thực hiện thắng lợi thay đổi này,” ông Đại nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục