Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo từ 8 giờ 30-13 giờ 30 ngày 5/7, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ có nguy cơ xảy ra tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao tại các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu); Bát Xát, thành phố Lào Cai, Mường Khương (tỉnh Lào Cai); Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái); Định Hóa, Đại Từ, Sông Công (tỉnh Thái Nguyên).
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trung bình tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Than Uyên, Tân Uyên (tỉnh Lai Châu); Bảo Thắng, Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai); Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình (tỉnh Yên Bái); Võ Nhai, Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
[Vùng áp thấp đã đi vào Biển Đông, Bắc Bộ chuẩn bị có mưa dông]
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi. Lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.
Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...
Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh radar thời tiết cho thấy mây đối lưu đang phát triển trên khu vực Ba Vì, thị xã Sơn Tây, Thạch Thất, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm và có xu hướng mở rộng về phía các quận nội thành của Hà Nội.
Vùng mây đối lưu này sẽ gây mưa rào và dông, sau đó có khả năng tiếp tục mở rộng sang các quận nội thành khác của Hà Nội, trong cơn dông có khả năng xuất hiện lốc, sét và gió giật mạnh.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn đang hoạt động yếu dần, ngày 5/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; đồng bằng Bắc Bộ có nơi nắng nóng với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 50-65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11-17 giờ. Ngày 6/7, nắng nóng Bắc và Trung Trung Bộ tiếp tục suy giảm.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh, nguy cơ rất cao xảy ra cháy rừng ở khu vực Trung Bộ; cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1./.