Để nông dân bỏ thói quen dùng tiền mặt: Không thể một sớm một chiều

Các chuyên gia đều cho rằng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Để nông dân bỏ thói quen dùng tiền mặt: Không thể một sớm một chiều ảnh 1Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Phát biểu tại hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt,” tổ chức hôm nay (1/12), tại Hà Nội, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã cho phép triển khai thí điểm các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn với 3 mô hình ngân hàng hợp tác với các tập đoàn viễn thông, cửa hàng xăng dầu để cung ứng dịch vụ chuyển tiền nhanh tới người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những người chưa có tài khoản ngân hàng.

Thế nhưng, để người nông dân bỏ thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt thì không phải là câu chuyện dễ dàng.

Từng bước đồng hành cùng nông dân

Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, nhằm khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC), giúp cho người dân không cần phải đến điểm giao dịch ngân hàng.

Đặc biệt, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) cho 3 nhà mạng viễn thông gồm: Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Vietel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông Mobiphone.

[NAPAS tiếp tục mở rộng mạng lưới thanh toán bằng mã VietQR]

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cũng cho rằng trong vài năm trở lại đây, thanh toán không dùng tiền mặt được đông đảo người dân Việt Nam lựa chọn, thay thế cho phương thức thanh toán tiền mặt truyền thống.

Là một ngân hàng thương mại nhà nước có mạng lưới giao dịch rộng khắp từ thành thị đến nông thôn, hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã có 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, gần 4.000 máy ATM, gần 25.000 máy POS và 68 điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dùng hoạt động tại các địa bàn nông nghiệp nông thôn.

Ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết để triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn, Agribank đã đưa ra giải pháp các cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được cấp hạn mức thấu chi lên tới 30 triệu đồng để thanh toán các dịch vụ chi trả tiền điện, nước, cước viễn thông, mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mua sắm vật tư cho sản xuất. Giair pháo này đã góp phần hạn chế tình trạng "tín dụng đen," tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho các khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Xóa bỏ tâm lý e ngại cua người dân

Mặc dù đánh giá cao khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên, ông Phạm Tiến Nam cũng chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản khiến việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn gặp khó khăn nếu không có các giải pháp quyết liệt.

"Theo tôi có hai nguyên nhân chính khiến cho việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn gặp khó khăn nếu như không có giải pháp quyết liệt từ các bộ ngành có liên quan. Hiện nay, điểm chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất hạn chế và thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân khiến việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn," ông Nam nêu rõ.

Để nông dân bỏ thói quen dùng tiền mặt: Không thể một sớm một chiều ảnh 2Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngoài ra, một số người dân có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán điện tử, ngân hàng, sợ rủi ro, không an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng tác động tới hành vi thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.

Do vậy, muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa, theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trước hết cần phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này để người dân tự đưa ra quyết định phù hợp.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết để mở rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng sẽ hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục tài chính về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.

Về phía ngân hàng thương mại, lãnh đạo Agribank cũng cho biết sẽ tập trung nâng cấp hệ thống công nghệ để phát triển các kênh thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp ứng dụng thanh toán hiện đại, đáp ứng yêu cầu giao dịch 24/7 trong thanh toán liên ngân hàng; tiếp tục mở rộng hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty và các trung gian thanh toán để xây dựng hệ sinh thái thanh toán khép kín phục vụ nhu cầu thanh toán theo hướng đa dạng hóa và gia tăng tiện ích các dịch vụ thanh toán đảm bảo an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin khách hàng.

Đặc biệt, Agribank sẽ tăng cường công tác truyền thông, quảng bá rộng rãi các sản phẩm, dịch vụ thanh toán của ngân hàng trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… để khách hàng tại địa bàn nông nghiệp nông thôn hiểu và sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng./.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 1,88% về số lượng và tăng 42,58% về giá trị. Hệ thống bù trừ điện tử và chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 96,63% về số lượng và 133,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, thanh toán qua di động tăng từ 50%-80%/năm về số lượng. Thanh toán qua Internet tăng từ 35%-40%/năm về số lượng. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như: Thẻ ngân hàng, QR Code, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục