Để những bước chân tình nguyện mùa dịch lan tỏa tình người và sự tử tế

Giữa đám mây u ám mang tên COVID-19 đang bao trùm cả xã hội, chúng ta vẫn thấy tia sáng của sự tử tế và lòng khoan dung, giúp con người vượt qua khó khăn. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những hạt sạn...
Sinh viên tình nguyện hỗ trợ thí sinh mùa thi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Những ngày gần đây, dịch bệnh bùng phát dữ dội tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều đoàn thiện nguyện và tình nguyện viên đã lên đường tiến vào phía Nam để sát cánh cùng người dân vùng dịch.

Sau những hình ảnh đẹp trên báo chí ghi lại khoảnh khắc những người trẻ dũng cảm dấn thân vì cộng đồng, dư luận lại dấy lên những chỉ trích rằng công tác tình nguyện chưa thỏa đáng, đội ngũ tình nguyện viên hoạt động không hiệu quả…

Đáng buồn là nhiều người sẵn sàng buông những lời miệt thị nặng nề trên mạng xã hội, ngay lập tức quay lưng vùi dập những hành vi xuất phát từ cái tâm tử tế.

Cần lắm những cái nhìn bao dung

Các y bác sỹ, tình nguyện viên, lực lượng tuyến đầu đã không quản khó khăn đi vào vòng xoáy COVID-19 để chiến đấu với dịch bệnh. Bên cạnh trách nhiệm trong công việc của mình, một ngọn đèn soi đường để họ đi đúng hướng mà họ luôn mang theo đó là sự tử tế và lòng trắc ẩn.

Các sinh viên tình nguyện tham gia lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: TTO)

Bác sỹ Ngô Đức Hùng (Bệnh viện Bạch Mai) là người trực tiếp tham gia chống dịch tại các bệnh viện dã chiến. Ngoài những giây phút căng thẳng, mệt nhọc, đọng lại trong anh là những niềm vui nho nhỏ, xuất phát từ những việc làm tử tế hàng ngày.

“Bàn tiếp tân nơi chúng tôi ở lúc nào cũng đầy đồ ăn và phòng ở thì được dọn dẹp tinh tươm. Những người dân nghèo, ngày nào cũng chở những bó rau tươi hái trong vườn tặng các bác sỹ trong viện dã chiến. Điều đó thật ấm áp, xua tan đi những mệt nhọc của đội ngũ y bác sỹ chúng tôi,” anh chia sẻ.

Trước sự cố của nhóm tình nguyện tại Thành phố Hồ Chí Minh, bác sỹ Ngô Đức Hùng cho rằng xã hội luôn tồn tại đủ loại người và đủ thứ quan điểm, thế nên chúng ta chỉ nên nhìn vào những điều tích cực mà sống và làm việc.

“Sự tử tế luôn là động lực cho tất cả chúng ta cùng cố gắng, và tôi tin điều đó luôn tồn tại ở khắp mọi nơi,” bác sỹ Hùng tâm sự.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, nhắn nhủ rằng mùa dịch là thời điểm mà mọi người cần phải sống tử tế với nhau hơn. Ông quan niệm rằng không nhất thiết phải góp tiền cứu trợ đồng bào hay ủng hộ Quỹ vaccine mới là tử tế.

“Chỉ cần bạn chọn không làm khó cho người khác thì đã là tử tế rồi. Chỉ cần đừng buông lời mạt sát chê bai những người đang cố gắng làm điều tốt cho cộng đồng, cho dù họ chưa hoàn hảo, đó là sự tử tế. Chỉ cần đừng lợi dụng chuyện đau lòng của người khác để mưu lợi câu view, cũng là tử tế,” ông Vinh chia sẻ.

[Sinh viên y khoa tình nguyện nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19]

Theo ông Vinh, những người chỉ trích các sinh viên, tình nguyện viên là do chưa hiểu cặn kẽ vấn đề và chỉ là số ít, không đại diện cho người dân Thành phố. 

Nhà báo Thủy Vũ, Báo Tuổi trẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã lên tiếng thanh minh cho các bạn sinh viên tình nguyện từ Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương.

Chị cho hay nhóm thanh niên tình nguyện rất có trách nhiệm với công việc của mình, tuy nhiên trong những ngày đầu, có sự không thống nhất giữa chỉ huy và các đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn tới những hiểu lầm trong dư luận. Kết quả là các bạn sinh viên Hải Dương phải hứng chịu “cơn mưa gạch đá” trên mạng xã hội.

Nhiều người không hiểu tình huống đã buông lời chỉ trích nặng nề khiến cá nhân chị Thủy Vũ thấy buồn và thương các em. Tuy nhiên, từ đó cũng cần đặt ra vấn đề rằng công tác tình nguyện hay từ thiện cần được thực hiện chỉn chu hơn để đem lại hiệu quả thiết thực, tránh những tai tiếng không đáng có.

Bài học từ cách tổ chức và truyền thông

Thạc sỹ Nguyễn Sơn Tùng, Bí thư Đoàn thanh niên trường Đại học Luật Hà Nội, đã từng đưa sinh viên của mình tham gia nhiều chương trình tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa. Về mặt tổ chức, anh cho rằng mấu chốt trong công tác xã hội là tìm cách cân bằng giữa cái mình có và cái người dân cần.

Do đó, hoạt động tình nguyện cần được triển khai bài bản, có khảo sát trước để biết được nhu cầu của địa phương, từ đó cân đối khả năng đáp ứng của mình.

Thạc sỹ Nguyễn Sơn Tùng, Bí thư Đoàn thanh niên trường Đại học Luật Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

“Đặc thù của sinh viên Đại học Luật Hà Nội là đông các bạn nữ nên khi khảo sát, tôi luôn phải vạch rõ những phần việc về lao động chân tay xem liệu nhóm tình nguyện của mình có khả năng đáp ứng được hay không, từ đó kết hợp với địa phương và phân công công việc cụ thể cho các nhóm,” anh cho biết.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, anh cũng nhấn mạnh yếu tố kỷ luật và ý thức trách nhiệm của thanh niên tình nguyện là rất quan trọng.

“Chúng tôi yêu cầu sinh viên phải xác định rõ mục đích của chương trình ngay từ khi đăng ký tham gia, các em cũng phải qua vòng sát hạch để kiểm tra năng lực, sau đó, các em sẽ phải tham gia chương trình tập huấn các kỹ năng tình nguyện, xây dưng kế hoạch, làm việc nhóm, kỹ năng sơ cứu...,” Bí thư Nguyễn Sơn Tùng nói thêm.

Đồng tình với quan điểm trên, chị Tường Vân, một phụ huynh có con là sinh viên ngành y tình nguyện tham gia công tác chống dịch tại Bắc Ninh, chia sẻ rằng nhiều khi các bạn trẻ chưa hình dung được sự nguy hiểm, vất vả khi tham gia chống dịch. Các bạn xung phong lên đường vì muốn được cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình cho cộng đồng, hưởng ứng lời kêu gọi của nhà trường, của các thầy cô giáo, sự động viên của gia đình…

Nghĩ đến con mình vẫn còn đang phải cách ly, chưa được về nhà, chị bày tỏ sự cảm thông với các bạn sinh viên tình nguyện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những sự cố vừa qua là một trải nghiệm đáng nhớ, là bài học đối với các bạn trẻ trên con đường trưởng thành.

“Đó là bài học về đối nhân xử thế, về văn hóa ứng xử trong từng môi trường; bài học rằng cần phải thấu hiểu sự hòa hợp và văn hóa vùng miền; bài học về sự bao dung, để các con hiểu ra rằng cuộc đời không bằng phẳng, không dễ dàng, không ngọt ngào như khi các con đang sống cùng cha mẹ,” chị chia sẻ.

Sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội tham gia công tác tình nguyện tại vùng núi. (Ảnh: HLU)

Bên cạnh đó, công tác tình nguyện cũng cần phải đi vào thực chất, tránh sự truyền thông quá mức có thể gây phản cảm cho cộng đồng.

Chị Hà Lâm Tú Quỳnh, chuyên gia truyền thông, cho rằng những hình ảnh các em sinh viên tình nguyện chụp ảnh tại sân bay hay ở khách sạn cao cấp có thể gây hiệu ứng không tốt trong dư luận, dù rằng đó không phải lỗi của các em.

“Những người truyền tải thông tin đã thiếu sự nhạy cảm, tinh tế nhất là khi một cộng đồng đang gặp quá nhiều khó khăn. Tin tức, hình ảnh cần đăng tải một cách tinh tế, nhẹ nhàng, gắn với đời sống,” chị Quỳnh nhận định.

Chuyên gia Hà Lâm Tú Quỳnh cho rằng làm truyền thông về các hoạt động thiện nguyện nên mang tính khiêm tốn, ghi nhận công sức của nhiều người, đề cập đến các đối tác và kêu gọi thêm sự chung tay để tạo ra ảnh hưởng tích cực hơn là ca ngợi thái quá, nhất là khi hoạt động thiện nguyện đó chưa đem lại kết quả đáng kể.

“Tốt nhất chúng ta nên tập trung nói về hiệu quả công việc, hướng sự chú ý của mọi người vào kết quả đã đạt được và làm sao mọi người có thể chung tay đóng góp hoặc đồng hành. Với việc làm từ thiện, việc xây dựng hình ảnh hay truyền thông lại càng phải cẩn trọng, tinh tế vì những người nhận sự giúp đỡ có thể không muốn câu chuyện, hoàn cảnh của mình bị đem ra để phô trương khắp nơi,” chị Quỳnh nói thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục