Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thiên tai.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/8, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai làm 86 người chết và mất tích, hơn 60 người bị thương, hơn 10.000 nhà ở bị đổ sập hoặc trong trạng thái mất an toàn, thiệt hại kinh tế lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trong bối cảnh mưa lũ, sạt lở và nhiều loại hình thiên tai ngày càng gia tăng tại khu vực miền Trung và một số địa phương duyên hải Nam Bộ hiện nay, một mô hình nhà ở phù hợp cho người dân vùng lũ đang rất cần được triển khai rộng rãi, đó là nhà phòng, chống thiên tai.
Nhà an toàn phòng, chống thiên tai là mô hình nhà ở phù hợp với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm lo, giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân.
Mô hình này giúp người dân có chỗ ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững; trong đó đặc biệt chú trọng đến nhà ở cho hộ nghèo khu vực ven biển thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Hiệu quả từ chính sách
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lũ khu vực miền Trung.
Cùng với đó, được triển khai từ cuối năm 2017, Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” còn có hợp phần hỗ trợ xây dựng nhà chống chịu thiên tai.
Tính đến nay, đã có 4.000 ngôi nhà an toàn chống chịu thiên tai được hỗ trợ xây dựng cho những hộ dân nghèo ở các tỉnh ven biển miền Trung.
Đây là sáng kiến chung giúp cộng đồng chống chọi với rủi ro và tác động liên quan đến khí hậu. Sáng kiến được khởi xướng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Xây dựng với sự hợp tác chặt chẽ của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Khí hậu Xanh (GCF).
[Cần hơn 2.100 tỷ đồng để xây nhà ở chống bão, lụt cho người nghèo]
Sáng kiến này kết hợp nguồn viện trợ không hoàn lại và Chương trình Nhà ở Quy mô Lớn của Chính phủ nhằm xây dựng các ngôi nhà chống chịu thiên tai ở một số địa điểm dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất của Việt Nam.
Thừa Thiên-Huế là một trong những tỉnh thành miền Trung hằng năm phải chứng kiến sự tàn khốc của thiên tai và gánh chịu thiệt hại nặng nề của bão lụt.
Nhưng từ năm 2018 đến nay, cuộc sống các hộ dân nghèo ven biển, vùng thấp, trũng của địa phương này đã có nhiều thay đổi khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng, chống thiên tai theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ và Dự án GCF.
Những ngôi nhà vững chắc đã trở thành chiếc phao cứu sinh để người dân an cư lạc nghiệp.
Trước đây, gia đình ông Hồ Bé (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) luôn đau đáu nỗi lo làm sao có được một nơi an toàn tránh trú cho bố mẹ già mỗi mùa mưa bão.
Sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ từ Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc và nguồn vốn đối ứng theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, gia đình ông vui mừng khi được “thay áo” cho mái nhà tranh vách gỗ bằng một ngôi nhà mới “3 cứng” an toàn vượt lũ.
Ông Hồ Bé cho biết: “Vùng này thấp, trũng, đến mùa mưa bão, con cháu không thể yên tâm phải đưa ông, bà đi tránh lũ ở nơi cao. Nay được hỗ trợ 70 triệu đồng xây nhà cùng số tiền con cháu gom góp, tôi đã làm nhà có gác cao; nhờ đó, ông bà có nơi tránh trú an toàn, con cháu an tâm.”
Ông Trần Văn Lệ, thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tâm sự: “Mỗi khi mưa lũ đến, nước vào nhà rất nhanh, không có cách gì để thuyền chở người, tài sản đi tránh trú cho kịp được. Được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhà tôi được xây dựng kiên cố, có gác cao nên bão lụt đến là không phải lo nữa.”
Hầu hết nhà an toàn phòng, chống bão lụt tại tỉnh Thừa Thiên-Huế đều được xây dựng theo kết cấu nhà ống, có mái gia cố chống bão giật, sàn gác lửng đổ bêtông cốt thép cao trên 2m.
Vì thế, qua các đợt bão lũ, đặc biệt là đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, những ngôi nhà này không những trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các hộ dân mà còn là địa chỉ tin cậy để những hộ dân lân cận có nơi tá túc qua cơn hoạn nạn.
Ông Nguyễn Đình Tài, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền, cho biết: “Nhu cầu của người dân thực hiện xây dựng nhà ở an toàn phòng chống thiên tai là rất cao. Với mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là 14 triệu đồng, nguồn vốn vay là 15 triệu đồng thì cần tăng mức hỗ trợ để người dân có thể xây được ngôi nhà hoàn thiện. Mức hỗ trợ như hiện nay chỉ có thể xây dựng được phần nhà chính. Với công trình phụ như bếp, vệ sinh, người dân phải đi huy động hỗ trợ từ con cháu hoặc vay từ các nguồn hỗ trợ khác.”
Nhiều năm đưa vào sử dụng, 581 ngôi nhà an toàn phòng, chống thiên tai của người dân 5 huyện, thị xã tại Thừa Thiên-Huế đã cho thấy hiệu quả, tầm quan trọng. Đây là một trong những giải pháp giúp người dân ứng phó với sự biến đổi ngày càng khốc liệt của thiên tai, đồng thời giúp thay đổi bộ mặt nông thôn mới cho địa phương.
Thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên-Huế bố trí nguồn lực để hỗ trợ xây dựng 150 nhà ở chống chịu bão lụt cho các hộ nghèo và kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức, nhà hảo tâm tiếp thêm động lực cho người dân hoàn thiện ngôi nhà chống chịu thiên tai.
Nhân rộng mô hình
Quảng Nam và Quảng Ngãi là những tỉnh thường xuyên bị bão lũ hoành hành, hàng trăm ngôi nhà bị ngập nước, thậm chí bị cuốn trôi, để lại nhiều thiệt hại lớn về người và tài sản.
Một mô hình nhà ở phù hợp cho người dân vùng lũ đang rất cần được triển khai rộng rãi.
Mô hình nhà an toàn phòng, chống thiên tai được thiết kế và xây dựng để thích ứng với mưa lũ, làm giảm bớt những tác động cực đoan từ thiên tai đến đời sống người dân.
Bà Đặng Thị Hồng, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho hay: “Ngày trước gia đình tôi gặp nhiều khó khăn mỗi khi lũ đến, mưa về. Bây giờ có căn nhà vững chắc do các cấp hỗ trợ, nên tôi cảm thấy yên tâm hơn khi mưa bão đến.”
Anh Nguyễn Ba, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Khi lũ về mình biết là chỗ mình thấp, bà con mình lên hết trên gác; trên đó có củi, lửa, gạo, thóc mình dự trữ lương thực, nước uống, có thể ở được nhiều ngày.”
Đối với tỉnh Quảng Nam, để sống chung với lũ, trong những năm qua, người dân nơi đây đã được tiếp cận các chính sách hoặc vay người thân để xây dựng nhà kiên cố có sàn, gác với diện tích từ 10-15m2 để tránh trú.
Những ngôi nhà an toàn phòng, chống thiên tai tuy có diện tích không lớn nhưng đã giúp người dân được an toàn mỗi khi lũ về.
Tuy nhiên, với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn hay hộ chính sách, rất cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn xây nhà từ các cấp chính quyền.
Gia đình bà Phan Thị Long, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, từng là một hộ nghèo, sống trong ngôi nhà nhỏ xập xệ.
Năm 2020, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương và được thụ hưởng trực tiếp nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án của GCF, một phần nhỏ hỗ trợ từ con cháu, gia đình bà Long đã xây dựng được ngôi nhà đàng hoàng, kiên cố.
Xã Hành Tín Đông được xem là vùng “rốn lũ” của huyện Nghĩa Hành. Mỗi năm địa phương này hứng chịu khoảng 5 trận lũ lụt, trong đó có những trận lụt có đến 90% số nhà dân ngập trong nước lũ.
Sau lũ, nhiều tài sản của người dân bị hư hỏng. Từ khi có Quyết định 48 và Dự án GCF, nhiều hộ dân đã xây dựng được nhà ở kiên cố.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành Nguyễn Ngọc Sinh khẳng định: “Chương trình này rất hiệu quả cho nhân dân vùng lũ, bởi người dân nơi đây có cuộc sống rất khó khăn. Số tiền hỗ trợ giúp người dân có thêm động lực xây dựng được một căn nhà có cái gác chống lũ, bão trong mùa mưa hàng năm. Chương trình xây dựng nhà an toàn phòng, chống thiên tai cần được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế quan tâm, tiếp tục thực hiện để người dân được an toàn trong thiên tai.”
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 2.735 hộ nghèo xây dựng nhà an toàn phòng, chống thiên tai, trong đó có 683 hộ được hỗ trợ từ Quỹ GCF.
Quảng Ngãi là địa phương năm nào cũng chịu ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt là vùng nằm gần các con sông lớn. Vì thế, nhu cầu sửa sang, làm mới nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo rất cấp thiết trong thời gian tới./.