Đề nghị xử lý nghiêm việc đốt rơm rạ không đúng quy định, gây ô nhiễm

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định.
Đề nghị xử lý nghiêm việc đốt rơm rạ không đúng quy định, gây ô nhiễm ảnh 1Đốt rơm rạ gây khói mù tại khu vực các xã huyện Quốc Oai. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Trước tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch như rơm rạ ở các vùng nông thôn gây ô nhiễm môi trường không khí tại thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng, ngày 9/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố yêu cầu các cơ quan hữu quan kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng này.

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, trong thời gian gần đây, chất lượng môi trường không khí tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận thuộc đồng bằng sông Hồng có xu hướng gia tăng ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh những nguyên nhân chính đã được xác định do bụi, khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi (nghịch nhiệt) trong giai đoạn giao mùa thì có nguyên nhân không nhỏ từ hoạt động đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch của người nông dân.

Đây cũng là hoạt động diễn ra hàng năm, lặp đi lặp lại của người nông dân khu vực nông thôn miền Bắc nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để.

[Tổng cục Môi trường: Giám sát đốt rơm rạ để giảm ô nhiễm không khí]

Do vậy, để kiểm soát, giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động không để người dân đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần giao các hội nông dân và phụ nữ, đoàn thanh niên tổ chức cho hội viên, đoàn viên, hộ nông dân ký cam kết không đốt rơm rạ ngoài cánh đồng; xây dựng các dự án, nhiệm vụ hướng dẫn người nông dân triển khai các biện pháp thu gom tối đa, xử lý, chế biến triệt để phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch thành các sản phẩm có ích.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 về “tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt lưu ý các nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2021,” xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 3051/BTNMT-TCMT ngày 7/6/2021.

Đề nghị xử lý nghiêm việc đốt rơm rạ không đúng quy định, gây ô nhiễm ảnh 2Người dân đốt rơm rạ sau khi thu hoạch gây khói bụi. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: TTXVN phát)

Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát Môi trường, chính quyền cơ sở cấp quận, huyện, phường, xã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch không đúng quy định; chỉ đạo Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở đất đá, vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không che chắn, gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, để kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đặc biệt lưu ý tới việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở nếu để xảy ra tình trạng đốt chất thải, chất thải rắn sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp, vận chuyển vật liệu xây dựng, chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết sẽ thiết lập cơ chế và tăng cường trao đổi, tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của báo chí, người dân về ô nhiễm môi trường không khí thông qua đường dây nóng của địa phương và Tổng cục Môi trường nhằm kiểm tra, xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục