Khu Quản lý đường bộ 1 (Cục Đường bộ Việt Nam) vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín (thành phố Hà Nội) về việc xử lý tình trạng ngập tại Km191+200-Km191+600 đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài sau cơn bão số 3 (siêu bão Yagi).
Theo báo cáo của Khu Quản lý đường bộ 1, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, gây mưa lớn kéo dài, từ ngày 9/9, trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, đoạn từ Km191+200-Km191+600 xảy ra tình trạng ngập nước, mực nước ở khu vực dâng cao, phương tiện di chuyển chậm trên làn số 1 và làn số 2.
Từ sáng ngày 10/9, nước dâng cao ngập sâu khoảng từ 30-70cm. Đến 7h cùng ngày lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với nhà đầu tư BOT tiến hành chốt, hạn chế phương tiện lưu thông lên đường cao tốc, phân luồng phương tiện đi ra các nút giao trước điểm ngập, hướng dẫn phương tiện đi ra Quốc lộ 1.
Đến sáng ngày 11/9, tuyến đường gom, đường địa phương trong khu vực ngập sâu. Đường cao tốc đoạn từ Km191+200-Km191+600 nước tiếp tục dâng cao khoảng 30-90cm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và mất an toàn cho kết cấu hạ tầng tuyến cao tốc. Lực lượng chức đã tổ chức cảnh báo người dân không đi vào khu vực nguy hiểm và phân luồng giao thông.
Ngày 11/9, Khu Quản lý đường bộ 1 đã lập đoàn liên ngành kiểm tra tình hình tiêu thoát nước khu vực cho thấy, tại khu vực ngập nước có trạm bơm đặt tại xã Văn Bình do Xí nghiệp thủy lợi Hồng Vân quản lý, vận hành. Trạm bơm có 6 máy có tác dụng bơm tiêu thoát nước. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra trạm chỉ vận hành 2/6 máy bơm, việc chỉ vận hành 2 máy ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thoát nước.
Giải pháp nào để hạn chế tình trạng cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ ngập sâu?
Nhà đầu tư dự án và cơ quan quản lý Nhà nước đã tính toán đến phương án xử lý lâu dài nhằm giải quyết tình trạng ngập một số vị trí trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.
Do đó, Khu Quản lý đường bộ 1 đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín chỉ đạo trạm bơm hoạt động hết công suất; tăng cường tối đa các giải pháp tiêu thoát nước, khơi thông hệ thống thuỷ lợi thuộc phạm vi xã Văn Bình và xã Liên Phương; có phương án xử lý thoát nước tổng thể, lâu dài nhằm hạn tình trạng ngập úng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.
Ngoài việc đề nghị cơ quan chức năng địa phương phát huy tối đa công suất các trạm bơm ở khu vực trong bối cảnh hiện nay tình hình bão lũ diễn biến ngày càng phức tạp, với vai trò là tuyến cao tốc huyết mạch ở khu vực phía Nam Thủ đô, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (nhà đầu tư) kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam xem xét, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải cho nhà đầu tư nghiên cứu, thực hiện phương án nâng mặt đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ (khu vực bị ngập) lên tối thiểu 0,5m so với mặt đường hiện hữu, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi điều kiện thời tiết./.