Đề nghị thống kê công việc khác biệt về tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu

Lãnh đạo Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Synopex Việt Nam (vốn đầu tư của Hàn Quốc), tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). (Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, Chính phủ chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, các biện pháp đặc biệt tạm thời theo tinh thần Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).

“Trong khi đó, khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau và liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác,” đại diện Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết.

[Tăng tuổi nghỉ hưu: Lựa chọn lộ trình nào cho phù hợp?]

Từ đó, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, Chính phủ cần phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội; các yếu tố ảnh hưởng khác; đồng thời đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực khi ghi nhận “có quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu.”

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, các cơ quan liên quna cần lấy ý kiến rộng rãi của nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu.

Ngoài ra, đại diện Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, để hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ cần rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.

“Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cầm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan,” bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội. (Ảnh: Quốc hội)

Ở góc độ khác, Báo cáo thẩm tra Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng nêu rõ: “Có ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu thực chất chỉ tác động đến khu vực công, nên cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong các dự án Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức... đang được trình Quốc hội, sẽ không dẫn đến việc phải sửa đổi nhiều văn bản pháp luật.”

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất hai phương án tăng dần tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện làm việc bình thường từ năm 2021. Lộ trình này sẽ thực hiện dần dần, cho tới lúc nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Hai phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến:

Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi ba tháng đối với nam và đủ 55 tuổi bốn tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi bốn tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm bốn tháng đối với nam và sáu tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Sẽ có một số nhóm lao động được nghỉ hưu sớm. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Dự thảo Bộ luật cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIV, sáng 29/5, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Theo đó, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục