Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 3/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; thảo luận tại hội trường về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu thể hiện sự đồng tình với tiêu chí lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề phải là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian 18 tháng tính đến thời điểm đề xuất.
Đồng thời, các chuyên đề giám sát phải bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực; phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
Trong phiên thảo luận, các đại biểu tán thành việc lựa chọn chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Theo các đại biểu, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác bảo vệ trẻ em, như việc Quốc hội ban hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Trẻ em... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em và phê duyệt Chương trình Bảo vệ trẻ em 2016-2020; thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em...
Tuy nhiên, tình hình xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, bạo lực học đường vẫn diễn biến rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Cuối phiên thảo luận, với 79,13% đại biểu tán thành, Quốc hội đã quyết định lựa chọn giám sát tối cao năm 2020 chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Cho ý kiến về việc sử dụng nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đề cập đến việc bố trí vốn các dự án khởi công mới, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn liệu Chính phủ có bảo đảm giải ngân hết số vốn nếu được giao trong giai đoạn 2016-2020 hay không trong khi quá trình chuẩn bị đầu tư mất hàng năm và thời gian thực hiện kế hoạch trung hạn 2016-2020 chỉ còn một năm rưỡi.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tính toán thật kỹ, bố trí số vốn phù hợp cho các dự án khởi công mới đủ giải ngân hết giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt là thanh toán dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản. Chính phủ nên công khai cho mỗi ngành, địa phương biết mình được dự kiến bao nhiêu và thiếu bao nhiêu tiền so với cam kết trung hạn trước khi làm dự toán năm 2020.
[Nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác xây dựng pháp luật]
Theo tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trong năm 2018 và đầu năm 2019, công tác xây dựng pháp luật từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào Chương trình đến nghiên cứu, soạn thảo, xem xét, thông qua tiếp tục có nhiều đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, của Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Các cơ quan của Quốc hội tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thẩm tra. Về cơ bản, các báo cáo thẩm tra đều có chất lượng, tính phản biện cao, có căn cứ pháp luật, cơ sở thực tiễn và khoa học.
Về nguyên tắc lập Chương trình năm 2020, điều chỉnh Chương trình năm 2019, việc điều chỉnh Chương trình năm 2019 không làm ảnh hưởng, thay đổi cơ bản Chương trình đã được Quốc hội quyết định; chỉ rút ra khỏi Chương trình, lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với những dự án chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ, nhưng cơ quan trình phải có báo cáo cụ thể về nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xin lùi, rút.
Bên cạnh đó, việc đưa các dự án vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan, đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng.
Trong ngày, Quốc hội lấy ý kiến các đại biểu về 3 nội dung còn ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi); lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử đối với một số nội dung trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia./.