Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, chiều 13/9, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Thuế bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ những hạn chế, cần thiết phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật, tuy nhiên các thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cơ quan thẩm tra cho rằng nội dung của Tờ trình và dự thảo Luật chưa thực sự đảm bảo để thực hiện các mục tiêu đề ra; Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi một cách toàn diện Luật; chưa làm rõ được những tác động cụ thể đến doanh nghiệp, người dân, tăng trưởng kinh tế..., chủ yếu tập trung vào việc tăng thu Ngân sách Nhà nước hoặc để thuận tiện cho công tác quản lý của cơ quan Nhà nước.
Về đối tượng chịu thuế, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau: Túi nilông thuộc diện chịu thuế, trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi nilông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chính phủ quy định cụ thể bao bì đóng gói sẵn hàng hóa quy định tại khoản này.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chưa tán thành với nội dung này và đề nghị cần bổ sung các sản phẩm màng nilông, tấm nilông, dải nilông, cuộn nilông dạng ống, màng nilông... được làm từ màng nhựa polyetylen vào đối tượng chịu thuế tương tự như túi, bao bì để bảo đảm thống nhất với việc sửa đổi về đối tượng chịu thuế đối với dung dịch hydro-chloro-flouro-carbon HCFC (bao gồm tất cả các sản phẩm có chứa dung dịch HCFC).
Theo đó, nội dung được sửa sẽ là túi nilông thuộc diện chịu thuế là các sản phẩm loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp, có hình dạng túi, có miệng túi, đáy túi, thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó.
Giải thích về nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Hiệp hội nhựa Việt Nam kiến nghị thu phí bảo vệ môi trường đối với túi nilông (có thành túi, miệng túi, đáy túi), không nên quy định các sản phẩm màng nilông, tấm nilông, dải nilông, cuộn nilông dạng ống, màng nilông, vì mặc dù được làm từ màng nhựa polyetylen, sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhưng những sản phẩm này là đầu vào của sản xuất túi nilông; nếu quy định những sản phẩm này phải chịu thuế sẽ dẫn đến thu trùng.
Mặt khác những sản phẩm này cũng rất cần thiết trong sản xuất nông nghiệp vì vậy không nên chịu thuế bảo vệ môi trường.
Đối với quy định về bổ sung đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, Tờ trình Chính phủ nêu quan điểm chưa bổ sung một số đối tượng, như ắcquy, máy tính, lốp xe, hóa chất tẩy rửa, thuốc bảo vệ thực vật không khuyến khích, phốt pho vàng... vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường trong lần sửa đổi này.
Không đồng tình, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Chính phủ chưa thực sự có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để mở rộng đối tượng chịu thuế, vẫn chỉ tập trung việc điều chỉnh mức thu đối với các đối tượng chịu thế bảo vệ môi trường là chưa phù hợp với định hướng về chiến lược cải cách hệ thống thuế.
Thực tế các sản phẩm trên đều là những sản phẩm có khối lượng sử dụng và thải bỏ tăng nhanh qua các năm, việc thải bỏ các sản phẩm này sau sử dụng có tác động rất đáng kể đối với môi trường, cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Nhiều loại trong số này là những chất thải nguy hại, cần được thu gom và xử lý theo cách thức riêng với chi phí cao, song thực tế việc thải bỏ các hàng hóa này ra môi trường hiện nay hầu như chưa phải chịu chi phí (giá dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất thấp, công nghệ xử lý lạc hậu, thậm chí một số sản phẩm phế thải chủ yếu xử lý bằng hình thức chôn lấp).
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét, lựa chọn những sản phẩm gây ảnh hưởng đến môi trường được sử dụng phổ biến để bổ sung vào diện chịu thuế, góp phần hạn chế việc sử dụng quá mức các chất gây ô nhiễm môi trường trong dân cư, bảo đảm bao quát đầy đủ các đối tượng gây ô nhiễm môi trường.
Do Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách còn khác xa nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Tài chính cần báo cáo Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng Tờ trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong tình hình hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Dự án Luật có nhiều ý kiến không thống nhất, rất khó để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Dự án Luật cần được chuẩn bị cẩn thận và kỹ lưỡng hơn.
Việc đánh thuế vào túi nilông là cần thiết nhưng cần tính đến việc ổn định đời sống cho nhân dân, phát triển kinh tế cho doanh nghiệp đỡ khó khăn.
Ngân sách Nhà nước còn khó khăn, cần tính đến các phương thức quản lý thu tốt hơn; khai thác thêm nguồn thu ngân sách. Việc thực hiện chính sách thuế ổn định sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đóng góp tốt cho ngân sách Nhà nước./.