Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và các luật có liên quan đến bảo vệ môi trường do một số quy định chồng chéo, chưa sát thực tế.
Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 23/6/2014. Đến nay Luật đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện cho công tác bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, Luật cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho bộ, ngành, địa phương và các đối tượng liên quan.
[Phát hiện ô nhiễm môi trường hãy gọi tới đường dây nóng 086.900.0660]
Cụ thể, một số quy định trong pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa sát thực tế, cũng như thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn.
Bên cạnh đó, các quy định bảo vệ môi trường được quy định ở nhiều luật khác nhau (như Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, dự thảo Luật Quy hoạch…), song giữa các luật còn một số điểm còn chưa thống nhất, một số khoảng trống chưa được quy định đã ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa theo kịp, phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Việc phân công, phân cấp thẩm quyền trong quản lý chất thải vẫn còn chồng chéo và chưa hợp lý, chưa đi đôi với tăng cường năng lực, phân định rõ trách nhiệm.
Từ thực tiễn nêu trên, dự thảo của Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và các luật có liên quan để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường./.